Để có một bức ảnh tuyệt vời, bạn cần những yếu tố nhất định. Một trong những yếu tố như vậy là bố cục; Vị trí của một vật thể trong khung hình làm thuận mắt người xem được coi là vị trí thú vị hay quan trọng nhất. Có rất nhiều cách để tạo một bố cục hấp dẫn trong bức ảnh, nhưng bài viết này sẽ nêu ra năm kỹ thuật bố cục mà bạn có thể chưa từng biết đến trước đây.
Khung hình trong khung hình
Bố cục này là một cách tuyệt vời để hướng ánh mắt người xem vào hình ảnh trong khi đồng thời tăng thêm chiều sâu cũng như bối cảnh cho hình ảnh đó. Sử dụng khung tiền cảnh trong đó khung đứng phía trước vật thể, hoặc khung hậu cảnh trong đó khung đóng vai trò là nền cho vật thể.
Nguồn: amebeverly
EOS 5D Mark III, f/4, 1/320s, 28mm
Quy tắc so le
Nguồn: yensen_tan
Canon 60D, f/5.6, ISO 500, 1/125s, 128mm
Bạn có thể đã nghe nói đến quy tắc một phần ba, nhưng chưa chắc đã biết về quy tắc so le. Khi quan sát hình ảnh với số lượng chẵn, theo bản năng, bộ óc của chúng ta sẽ ghép chúng thành cặp. Quy tắc so le khiến quy trình đó trở nên hỗn loạn bằng cách cố ý đặt vật thể với số lượng lẻ vào hình ảnh.
Bộ não coi mọi tập hợp từ 9 vật thể trở lên là một nhóm chung, nghĩa là quy tắc so le không có tác dụng. Do đó, hãy nhớ duy trì số lượng vật thể ở một chữ số. Hãy thử chụp ảnh những đồ vật mà bạn có tại nhà, ví dụ như trái cây, cốc chén, bút chì, v.v. và sử dụng hậu cảnh đơn giản để tránh sự phân tâm không mong muốn.
Tam giác vàng
Nguồn: a.k.h.i.l.n
EOS 1200D, EF-S 24mm f/2.8 STM, f/2.8, ISO 200, 1/500s, 24mm
Tam giác vàng là kỹ thuật bố cục giúp hướng ánh mắt người xem vào một khu vực nhất định. Kỹ thuật này rất hữu ích vì nó giúp bạn tư duy theo đường chéo khi chụp ảnh, từ đó tạo ra những bố cục linh hoạt hơn. Và các bước rất đơn giản:
- Hãy bắt đầu với hình chữ nhật (ống ngắm hoặc khung hình của bạn), sau đó tạo một đường chéo từ góc dưới bên trái đến góc trên bên phải
- Tiếp theo, hãy vẽ một đường thẳng đứng từ góc dưới bên phải đến khi đường thẳng đó giao với đường chéo tạo thành góc 90 độ.
- Nơi các đường thẳng giao nhau được gọi là “góc”, đó là vị trí lấy nét quan trọng cho hình ảnh của bạn.
Hãy chú ý, “góc” không luôn luôn phải nằm ở góc trên bên phải của hình ảnh. Hãy điều chỉnh lại tam giác vàng để phù hợp với nơi bạn muốn lấy nét.
Không gian âm
Nguồn: prashanth_bionic
Canon EOS R, RF85mm f/1.2L USM, f/1.2, ISO 100, 1/2500s, 85mm
Không gian âm là khu vực giữa và xung quanh đối tượng chính trong hình ảnh của bạn. Đây là một kỹ thuật tuyệt vời giúp vẽ các hình dạng và kích thước hiệu quả hơn, và tạo ra hình ảnh rõ nét hơn.
Khi được sử dụng phù hợp, không gian âm tạo ra sự cân bằng tự nhiên với không gian dương (đối tượng chính) trong phông cảnh. Cách tốt nhất để thực hiện kỹ thuật này là bỏ qua các vật thể trong phông cảnh và chỉ tập trung vào các khoảng trống giữa và xung quanh chúng.
Lấp đầy khung hình
Nguồn: rehahn_photography
EOS 5D Mark IV, EF85mm f/1.8 USM, f/1.8, 1/3200s, ISO 200, 85mm
Rất nhiều hình ảnh được chụp từ khoảng cách xa so với đối tượng, một phần là do truyền thống, và một phần là do bạn không muốn trở nên thô lỗ nếu đối tượng của bạn là con người! Như ví dụ này cho thấy, khi bạn di chuyển gần hơn đến đối tượng khiến cho đối tượng lấp đầy khung hình và hậu cảnh của bạn bị loại bỏ sẽ giúp tạo ra cảm giác gần gũi, như thể là bạn đang ở cùng họ.
Tuy nhiên, nếu bạn hoặc đối tượng không cảm thấy thoại mái khi chụp cận cảnh, bạn luôn có thể phóng to hoặc cắt cảnh sau. Luôn có nhiều cách để lấp đầy khung hình của bạn.
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều bố cục mà bạn có thể tham khảo để đạt được những kết quả thú vị. Đừng ngại trải nghiệm và kết hợp hai hay nhiều kỹ thuật nói trên hay bất kỳ kỹ thuật nào khác mà bạn biết. Đừng hạn chế sự sáng tạo của bạn!