Ống Kính Một Tiêu Cự hay Ống Kính Zoom: Tôi Nên Mua Cái Nào?

Từ những điểm cơ bản: Ống kính một tiêu cự/ống kính zoom là gì?

Ống kính zoom là ống kính bao phủ các độ dài tiêu cự (góc xem) khác nhau, thường được cho biết trên ống kính. Nó cho phép bạn chụp gần hơn hoặc rộng hơn khi bạn xoay vòng zoom.

Trong khi đó, ống kính một tiêu cự chỉ có một tiêu cự đã cho, đó là lý do nó còn được gọi là “ống kính tiêu cự cố định”.

Cách phân biệt ống kính một tiêu cự với ống kính zoom?

Cách dễ nhất để phân biệt hai loại ống kính là thông qua tên ống kính!

Nếu tên của ống kính chỉ hiển thị một tiêu cự, thì đó là ống kính một tiêu cự.
Nếu tên của ống kính hiển thị một dải độ dài tiêu cự, thì đó là ống kính zoom.

Bây giờ chúng ta đã có định nghĩa, hãy tìm hiểu xem khi nào nên mua ống kính zoom và khi nào nên mua ống kính một tiêu cự.

1. Kích thước có quan trọng không?

Bạn có thể có ấn tượng rằng ống kính một tiêu cự nhỏ hơn ống kính zoom. Điều đó thường là đúng giữa các ống kính cùng loại, mặc dù nhỏ hơn bao nhiêu cũng phụ thuộc vào độ dài tiêu cự và các yếu tố khác. Một lý do cho sự khác biệt về kích thước là do vật lý: ống kính zoom bao gồm nhiều thành phần quang học hơn và cần nhiều không gian hơn trong vành ống kính để hoạt động.

Ví dụ cấu hình ống kính zoom


Cấu hình ống kính của RF15-30mm f/4.5-6.3 IS STM ở đầu rộng (15mm). Các nhóm thấu kính trong khung màu đỏ di chuyển trong khi zoom.

Ví dụ cấu hình ống kính một tiêu cự


Cấu hình ống kính của RF16mm f/2.8 STM. Giống như RF15-30mm f/4.5-6.3 IS STM, đây là ống kính góc cực rộng; tuy nhiên, cần ít không gian hơn vì ống kính không có các thành phần zoom.

Do đó, câu trả lời ngắn gọn là: Ống kính một tiêu cự thường sẽ nhẹ hơn và nhỏ hơn ống kính zoom có cùng độ dài tiêu cự và cùng loại.

Nắm thông tin này: Chỉ riêng dải độ dài tiêu cự không quyết định kích thước và trọng lượng của ống kính

Ống kính một tiêu cự không phải lúc nào cũng nhỏ hơn và nhẹ hơn ống kính zoom. Có những yếu tố khác ảnh hưởng đến kích thước ống kính, bao gồm:
– Là ống kính tele/siêu tele: Do đặc điểm vật lý, độ dài tiêu cự dài thường yêu cầu vành ống kính dài hơn.
– Nó có phải là ống kính chuyên nghiệp hay không: Các ống kính chuyên nghiệp (ống kính L) chứa nhiều thành phần thấu kính hơn và có kết cấu chắc chắn hơn để đảm bảo chất lượng quang học và độ bền cao hơn, ngay cả ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
– Khẩu độ tối đa: Khẩu độ tối đa rất rộng thường yêu cầu các thành phần thấu kính lớn hơn, mặc dù điều này cân bằng như thế nào là phụ thuộc vào thiết kế thấu kính và các yếu tố khác.

Một số ống kính RF nhỏ nhất, nhẹ nhất của Canon

RF50mm f/1.8 STM
Được biết đến với tên gọi “ống kính 50mm” vì tính linh hoạt của nó, ống kính này là thứ mà nhiều người nghĩ đến khi họ nhìn thấy thuật ngữ “ống kính một tiêu cự”.

RF16mm f/2.8 STM
Canon đã đạt được một kỳ tích kỹ thuật khi họ tạo ra chiếc ống kính góc cực rộng nhanh, nhỏ gọn, và nhẹ này! Đây là ống kính góc cực rộng nhỏ nhất trong dòng ống kính RF, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

RF-S18-45mm f/4.5-6.3 IS STM
Được thiết kế cho máy ảnh APS-C, ống kính zoom tiêu chuẩn nhỏ bé này chỉ dài hơn 4cm khi thu gọn hoàn toàn và chỉ nặng khoảng 130g. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng nó với máy ảnh EOS R full-frame ở chế độ crop 1.6x. Nó cung cấp góc xem tương đương full-frame từ 29 đến 72 mm.

Hãy nhớ: Hệ số crop đối với máy ảnh APS-C
Nếu bạn đang sử dụng máy ảnh APS-C, góc xem bạn có được tương đương với 1,6x độ dài tiêu cự trong tên ống kính, ví dụ, ống kính 50 mm hoạt động giống như ống kính 80 mm.

2. Bạn có cần khẩu độ tối đa lớn không?

Có hai lý do chính tại sao một nhiếp ảnh gia có thể muốn có một ống kính có khẩu độ tối đa lớn (“ống kính nhanh”): hiệu suất chụp thiếu sáng, và hiệu ứng bokeh.

Hệ thống quang học đơn giản hơn của ống kính một tiêu cự cũng giúp dễ dàng kết hợp khẩu độ tối đa lớn hơn vào chúng mà không ảnh hưởng nhiều đến kích thước và chi phí. Đó là lý do tại sao ngay cả những ống kính một tiêu cự vừa túi tiền nhất cũng có thể đạt tốc độ nhanh đến f/1.8!

Hiệu suất chụp thiếu sáng

EOS R3 + RF135mm f/1.8L IS USM @ f/1.8, 1/1600 giây, ISO 3200

Với một ống kính nhanh, bạn có thể sử dụng tốc độ cửa trập cao hơn để đóng băng hành động hoặc tránh rung máy, đồng thời giữ độ nhạy sáng ISO thấp để tránh nhiễu ảnh. Ví dụ, ảnh này được chụp ở tốc độ 1/1600 giây để đóng băng hành động của các vận động viên đấu kiếm.

Nắm thông tin này: Vì ống kính Canon đo sáng ở khẩu độ tối đa, nên ống kính nhanh hơn cũng hỗ trợ hiệu suất AF ở điều kiện thiếu sáng.

Bokeh

Một cách dễ dàng để có được hiệu ứng bokeh mờ mịn đẹp mắt là sử dụng khẩu độ lớn hơn, và khẩu độ lớn nhất là trên ống kính một tiêu cự.

EOS R5 + RF85mm f/1.2L USM @ f/1.2, 1/2000, ISO 200 (EV +1)

Hiệu ứng bokeh mờ mịn đẹp mắt ở f/1.2. Vì nó cho phép bạn giữ khoảng cách thoải mái với đối tượng, 85mm cũng là một tiêu cự dễ sử dụng để chụp ảnh chân dung người!

EOS R5 + RF135mm f/1.8L IS USM @ f/1.8, 1/3200 giây, ISO 400

Một ống kính tele dài hơn giúp tăng hiệu ứng bokeh có được ở khẩu độ rộng.

3. Phong cách chụp của bạn là gì? Bạn có bao nhiêu không gian để di chuyển?

4. Bạn đang tìm kiếm một ống kính có nhiều khả năng linh hoạt?

Chúng ta sẽ cùng nói về hai điểm này.

Ống kính một tiêu cự: Nhiều đặc điểm vật lý—tuyệt vời để thực hiện những khám phá bất ngờ!

Với ống kính một tiêu cự, việc chụp ảnh là một công việc rất vật lý. Bạn sẽ phải di chuyển đến gần đối tượng hơn để chụp gần hơn, và di chuyển ra sau nếu bạn muốn một cái gì đó rộng hơn. Nói cách khác, bạn phải “zoom bằng chân”. Một số nhiếp ảnh gia có thể thấy điều này là trực quan hơn so với xoay vòng zoom, và chắc chắn nó giúp bạn tập luyện để có đôi chân nhanh hơn—nếu không sẽ có nguy cơ bỏ lỡ ảnh!

Nếu bạn bị mắc kẹt trong lối mòn hoặc đang tìm kiếm những góc nhìn mới, bạn thậm chí có thể tìm thấy thử thách khi làm việc chỉ với một độ dài tiêu cự được sử dụng nhiều lần. Khi bạn di chuyển xung quanh để cố tìm ra thứ gì đó phù hợp với những gì bạn có, bạn không chỉ suy nghĩ nhiều hơn và có những khám phá mới, mà còn kiểm tra kỹ năng lập bố cục của mình!

Chụp bằng RF16mm f/2.8 STM

Một khám phá khi thử chụp ảnh cận cảnh khi đi dạo với ống kính RF16mm f/2.8 STM. Với sự trợ giúp của hiệu ứng bokeh f/2.8, hàng rào xanh thẫm tạo thêm đường nét thú vị nhưng cũng cân bằng các màu xanh ấm hơn, làm nổi bật bông hoa màu hồng-hoa cà.

Chụp bằng RF16mm f/2.8 STM

Bạn muốn phóng to các đối tượng thu hút sự chú ý của bạn, nhưng nếu bạn không thể phóng to thì sao? Việc bị hạn chế ở 16mm buộc người chụp tấm ảnh này phải cố gắng thử các cách khác để thu hút sự chú ý vào căn lều, chẳng hạn như những màu sắc tương phản và các đường dẫn. Bạn sẽ làm gì?

Ống kính một tiêu cự góc rộng với khả năng chụp macro

Các ống kính một tiêu cự nhỏ, nhẹ được giới thiệu trong phần 1. là những người bạn đồng hành tuyệt vời để khám phá các góc chụp. Để có nhiều khả năng hơn nữa, hãy thử các ống kính một tiêu cự này cũng cho phép chụp cận cảnh với độ phóng đại ít nhất 0,5x.

Chọn ống kính một tiêu cự: Bạn có thích những độ dài tiêu cự cụ thể không?

Kiến thức này sẽ giúp bạn quyết định nên mua ống kính một tiêu cự gì. Hầu hết mọi người có một độ dài tiêu cự cụ thể mà họ thích một cách vô thức. Đánh giá những tấm ảnh bạn đã chụp bằng ống kính theo bộ hoặc ống kính zoom yêu thích—ví dụ, nếu có nhiều ảnh được chụp ở 35 mm, thì ống kính một tiêu cự 35 mm có thể mang lại cho bạn nhiều tiện ích nhất.

Dĩ nhiên, nếu bạn muốn thoát ra khỏi khuôn mẫu của chính mình, bạn có thể mua một ống kính một tiêu cự có độ dài tiêu cự mà bạn hiếm khi sử dụng—nó có thể sẽ rẻ hơn một ống kính zoom cùng loại. Còn về RF600mm f/11 IS STM hoặc RF800mm f/11 IS STM, là những tiêu cự mà ống kính zoom thường không bao gồm, thì sao?

Ống kính zoom: Để có khả năng linh hoạt lập bố cục dễ dàng hơn

Đối với những không gian hạn chế mà bạn không thể di chuyển nhiều, hoặc nếu bạn chỉ muốn thuận tiện khi chụp kết hợp những tấm ảnh gần hơn và rộng hơn mà không phải di chuyển nhiều hoặc thay ống kính, ống kính zoom mang lại khả năng linh hoạt cao nhất.

Tất cả ảnh được chụp bằng RF24-240mm f/4-6.3 IS STM @ f/8, 1/160 giây, ISO 100

Trong một số tình huống, việc chỉ cần di chuyển đến gần hơn có thể không giúp bạn đến gần hơn các chi tiết. Ví dụ, các chi tiết trong cái đình bên trên sẽ không hiển thị từ ngay bên dưới nó. Ống kính zoom cung cấp cho bạn tùy chọn thay đổi thị trường trong khi vẫn ở cùng một vị trí.

Nắm thông tin này: Ống kính zoom có khẩu độ thay đổi và khẩu độ không đổi

Thách thức trong việc thiết kế ống kính zoom khẩu độ lớn có nghĩa là hầu hết các ống kính zoom giá rẻ hoặc trọng lượng nhẹ có xu hướng là ống kính có khẩu độ thay đổi, trong đó khẩu độ tối đa trở nên hẹp hơn ở độ dài tiêu cự dài hơn. Ví dụ, trên RF-S18-150mm f/3.5-6.3 IS STM, khẩu độ tối đa ở đầu 150mm là f/6.3.

Mối quan hệ giữa khẩu độ tối đa và độ dài tiêu cự trên ống kính khẩu độ thay đổi

(Trên thực tế, tỉ lệ giảm về khẩu độ tối đa ít nhất quán hơn và phụ thuộc vào thiết kế ống kính.)

Nếu bạn cần tính linh hoạt của ống kính zoom, nhưng cũng muốn nó có cùng khẩu độ trên toàn bộ dải tiêu cự, hãy sẵn sàng đầu tư vào ống kính có khẩu độ không đổi. Đây là những thấu kính chuyên nghiệp (L series) và có giá cao hơn, nhưng chúng cũng có khả năng chống chịu thời tiết, giúp chúng bền hơn ngay cả ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

 

Tuy nhiên, nếu bạn muốn bổ sung độ dài tiêu cự cho ống kính theo bộ trong phạm vi ngân sách, hoặc đang tìm kiếm tính lưu động cao hơn, hãy thử các ống kính zoom có khẩu độ thay đổi này

Một bộ ống kính góc rộng, tiêu chuẩn, và tele được gọi là “bộ ba ống kính” vì dải tiêu cự rộng mà chúng cung cấp cùng nhau sẽ đủ để xử lý hầu hết các cảnh. Bộ ba khẩu độ f/2.8 hoặc f/4 là rất phù hợp nếu bạn muốn có tính linh hoạt tối đa, nhưng dĩ nhiên, bạn có thể phối hợp và kết hợp tùy theo nhu cầu của mình!

Để có khả năng linh hoạt lập khung hình cao nhất, hãy thử một ống kính siêu zoom

*Ống kính siêu zoom là ống kính zoom bao phủ các độ dài tiêu cự góc rộng cho đến tận độ dài tiêu cự tele tầm trung hoặc tele—một lựa chọn tốt khi đi du lịch!

RF24-240mm f/4-6.3 IS STM
Với khả năng zoom 10x, ống kính này kết hợp khả năng linh hoạt với chất lượng hình ảnh xuất sắc. Khi được sử dụng trên máy ảnh EOS R full-frame, hãy bật chế độ crop 1.6x để mở rộng phạm vi tiếp cận tương đương 384mm.

RF-S18-150mm f/3.5-6.3 IS STM
Được thiết kế cho người dùng máy ảnh APS-C EOS R (hoặc người dùng EOS R full-frame ưu tiên tính lưu động), ống kính này chỉ nặng 310g. Nó bao phủ dải độ dài tiêu cự tương đương full-frame từ 29 đến 240 mm.

Nếu các ống kính siêu zoom nhỏ gọn và linh hoạt như thế, tại sao mọi người vẫn mua ống kính zoom có khẩu độ thay đổi với dải zoom ngắn hơn rất nhiều? Câu trả lời nằm ở điểm cuối cùng.

5. Chất lượng quang học có quan trọng không?

Bạn có thể đã nghe rằng ống kính một tiêu cự sắc nét hơn ống kính zoom. Điều này là vì cần nhiều nỗ lực hơn để tạo ra một ống kính zoom có chất lượng quang học tốt nhất quán trong toàn bộ dải tiêu cự. Có nhiều quang sai hơn cần sửa, vì các quang sai ống kính khác nhau xuất hiện ở các dải độ dài tiêu cự khác nhau.  Để so sánh, thiết kế ống kính chỉ cần được tối ưu hóa cho một độ dài tiêu cự trên ống kính một tiêu cự!

Dải tiêu cự được cung cấp càng dài thì càng khó đảm bảo một mức chất lượng quang học nhất định xuyên suốt. Đây là lý do tại sao ống kính siêu zoom có tiếng là có chất lượng quang học kém hơn, và tại sao các ống kính zoom chỉ xử lý một loại dải tiêu cự (góc rộng, tiêu chuẩn, hoặc tele) vẫn phổ biến. Đó cũng là lý do tại sao các nhiếp ảnh gia nào chú trọng đến chất lượng hình ảnh thường thích ống kính một tiêu cự.

Nắm thông tin này: Hiệu suất cao của ống kính zoom

Với những tiến bộ công nghệ, ống kính zoom chuyên nghiệp có thể có chất lượng ngang bằng với ống kính một tiêu cự chuyên nghiệp. Ví dụ, RF28-70mm f/2L USM thường được mô tả là sắc nét như “4 ống kính một tiêu cự trong một thân ống kính”. Tuy nhiên, nhiều bộ phận quang học hiệu chỉnh liên quan làm tăng thêm kích thước và trọng lượng của ống kính, điều này có thể ảnh hưởng đến tính di động. Ngay cả khi đó, tùy vào sở thích của bạn, bạn có thể thấy rằng việc mang theo một ống kính zoom lớn nhưng nhanh và có chất lượng cao sẽ thuận tiện hơn và là một khoản đầu tư tốt hơn so với nhiều ống kính một tiêu cự.

Kết luận: Tôi muốn cho ống kính tiếp theo của mình là một chiếc ống kính zoom hay ống kính một tiêu cự?

Sau khi đọc những điểm bên trên và đánh giá ngân sách của mình, bạn sẽ hiểu rõ hơn về ưu và nhược điểm của từng loại ống kính. Bước tiếp theo là đánh giá giàn ống kính hiện tại của bạn. Bạn đang cảm thấy có những giới hạn gì? Những ống kính nào sẽ lấp đầy khoảng trống?
Không có câu trả lời đúng hay sai hay kho ống kính “hoàn hảo”—ngay cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng phối hợp và kết hợp các loại ống kính theo sở thích và nhu cầu của họ.
Ống kính tiếp theo của bạn sẽ là gì?

Ống kính một tiêu cự
(So sánh với các ống kính zoom cùng loại)
Lợi thế Bất lợi
– Thường có giá vừa túi tiền hơn
– Thường nhỏ hơn và nhẹ hơn
– Sắc nét hơn
– Khẩu độ tối đa lớn hơn, hiệu ứng bokeh đẹp hơn
– Hiệu suất chụp thiếu ánh cao hơn
– Tập luyện kỹ thuật lập bố cục của bạn
– “Zoom bằng chân” mang lại cảm giác trực quan hơn đối với một số người
– Chỉ có một độ dài tiêu cự
– Cần di chuyển trên thực tế để thu phóng
– Lập bố cục khó hơn
Ống kính zoom
(So sánh với các ống kính một tiêu cự cùng loại)
Lợi thế Bất lợi
– Tính linh hoạt: nhiều độ dài tiêu cự trong một thân ống kính
– Sự tiện lợi
– Khẩu độ tối đa nhỏ hơn
– Lớn hơn và nặng hơn
– Có thể không được sắc nét bằng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0988.225.880 CHAT NGAY