Nếu bạn yêu thú cưng và nhiếp ảnh thì có một cách để kết nối hai niềm đam mê này lại với nhau: chụp ảnh thú cưng!
Mặc dù một buổi chụp hình với những con vật đáng yêu chạy xung quanh nghe có vẻ rất vui vẻ, nhưng cũng có thể là thách thức thú vị đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. SNAPSHOT thảo luận về những trở ngại này với Matt Aslan, tác giả của tác phẩm ghi lại mối liên kết đặc biệt giữa vật nuôi và con người, cùng với những khoảnh khắc chụp ảnh hoàn hảo.
Hãy tìm hiểu cách lên kế hoạch, chuẩn bị và chụp ảnh chân dung thú cưng đáng yêu.
Trước khi chụp
EF35mm f/1.4L IS USM, f/1.6, ISO 125, 1/320s, 35mm
Đối với Matt, tờ thu thập thông tin từ các chủ nuôi thú cưng tạo cảm hứng cho toàn bộ dự án của anh:
“Trước khi bắt đầu buổi chụp hình, tôi yêu cầu khách hàng điền vào một tờ thông tin để tôi có thể tìm hiểu đôi nét chi tiết về khách hàng và đứa trẻ lông xù. Tôi lên kế hoạch sắp xếp, bài trí phong cách, bố cục theo những điều tôi biết từ tờ thông tin. Ví dụ, thông qua tờ thông tin này, tôi sẽ có thể biết được tình trạng sức khỏe và tuổi của đứa trẻ lông xù, thái độ của nó đối với người lạ và vật nuôi khác, hoặc nó có đi lung tung khi có hoặc không có dây xích hay không.
Biết thêm về đối tượng chụp sẽ giúp bạn biết được concept chụp nào phù hợp nhất và sẽ tạo môi trường thoải mái cho thú cưng. Điều quan trọng là phải tìm hiểu đối tượng chụp ngay cả trước ngày chụp.
Ngoài trời so với Trong nhà
EF70-200mm f/2.8 IS USM III, f/2.8, ISO 250, 1/800s, 200mm
Nhìn vào những bức ảnh của Matt, có thể thấy rõ ràng anh ưu tiên chụp ảnh ngoài trời hơn.
“Khi quan sát thú cưng trong phòng chụp, tôi nhận thấy nhiều con tỏ ra lo lắng và sợ hãi ở trong một môi trường mới. Khi tôi bắt đầu chụp ảnh trong công viên, địa điểm yêu thích của chúng, thì tôi đã nắm bắt được những khoảnh khắc năng động và tự nhiên nhất của chúng”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể thong thả khi chụp ngoài trời. “Bạn cần phải nắm vững tất cả các tính năng của máy ảnh và ống kính của bạn, và cần rất nhiều kỹ năng để chụp ảnh thú cưng khi chúng chạy xung quanh trong một khu vực mở rộng lớn. Chụp ngoài trời có thể khó hơn nhiều so với chụp trong một studio có ánh sáng được kiểm soát và không gian hạn chế hơn.
Sau đây là một số điều nên và không nên làm khi chụp ảnh thú cưng:
Điều nên làm
EF35mm f/1.4L IS USM, f/1.6, ISO 200, 1/800s, 35mm
Thả lỏng vì thú cưng có thể cảm nhận được căng thẳng – sẽ rất khó để một con mèo, chó hoặc thú cưng khác thoải mái khi ở gần một nhiếp ảnh gia căng thẳng hoặc lo lắng. Thú cưng là những sinh vật rất dễ đồng cảm.
Kéo giãn cơ trước khi chụp – bạn có thể cần phải cúi gập người, quỳ và lăn lộn khi chụp ảnh thú cưng đang hoạt động, vì vậy một số động tác kéo giãn cơ có thể giúp bạn tránh bị chấn thương tiềm ẩn trước khi chụp.
Chơi đùa với thú cưng trước – dành một vài phút liên kết với thú cưng trước khi lấy máy ảnh ra. Điều này sẽ tạo mối quan hệ tốt, giúp thú cưng cảm thấy thoải mái.
Cho thú cưng ăn 1-2 giờ trước khi chụp – nếu thú cưng bị đói thì nó có thể không quá nhiệt tình với việc chụp ảnh. Cũng giống như con người, việc tạo dáng cần nhiều năng lượng và thú cưng được cho ăn no thường sẽ bình tĩnh hơn.
EF70-200mm f/2.8L IS USM III, f/2.8, ISO 800, 1/1000s, 200mm
Sử dụng chế độ phơi sáng -1 – khi chụp ảnh trong một công viên nhiều ánh sáng thì chế độ chụp tối sẽ tạo ra nhiều không gian hơn khi xử lý hậu kỳ những bức ảnh.
Chụp trong bóng râm dưới ánh mặt trời gay gắt – để có ánh sáng dịu hơn, tỏa rộng hơn và thoải mái hơn cho đối tượng chụp (đặc biệt là vào buổi trưa), hãy tránh chụp ảnh dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Tạm dừng nhiều lần để nghỉ ngơi và uống nước – hãy luôn ghi chú điều này trong lịch trình của bạn vì thú cưng cần nghỉ ngơi.
Thu hút sự chú ý bằng âm thanh ngắn và lớn – một âm thanh lớn trong khoảnh khắc sẽ thu hút sự chú ý của thú cưng.
Luôn thân thiện với thú cưng – dù sao đi nữa thì việc chụp ảnh một người bạn luôn đáng giá hơn nhiều so với một con vật muốn bị bỏ lại một mình.
Lấy nét vào mắt – giống như chụp ảnh chân dung người, hãy lấy nét vào mắt thú cưng để có bức ảnh sắc nét. Tính năng AF Nhận diện động vật của Canon có thể giúp việc lấy nét trở nên dễ dàng. Khi kết hợp hiệu quả với kỹ thuật bokeh có thể tạo ra những bức chân dung đẹp, như thế này:
EF35mm f/1.4L IS USM, f/1.4, ISO 50, 1/8000s, 35mm
Sử dụng tốc độ màn trập nhanh – thú cưng có thể là những quả bóng năng lượng nhỏ và tốc độ màn trập nhanh (tối thiểu 1/800 đối với Matt) đảm bảo có những bức ảnh sắc nét. Bạn sẽ dễ dàng đạt được điều này dưới ánh sáng mặt trời rộng.
Chuẩn bị sẵn sàng và linh hoạt – Máy ảnh chính của Matt là Canon EOS 5D Mark III và Canon EOS R6. Anh cũng sử dụng nhiều ống kính để chụp ảnh như EF24-70mm f/2.8L IS USM II, EF16-35mm f/4L IS USM, EF70-200mm f/2.8L IS USM III, EF85mm f/1.4L IS USM và EF35mm f/1.4L IS USM.
Điều không nên làm
Bày bừa đồ chơi lộn xộn – mặc dù nghe có vẻ thú vị nhưng quá nhiều đồ chơi có thể gây mất tập trung cho thú cưng. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến cách bạn dàn xếp để cho ra bức ảnh cuối cùng.
Không chuẩn bị gì cho buổi chụp – hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng concept trước buổi chụp, vì vậy bạn có thể có được những bức ảnh mong muốn.
Đứng suốt trong buổi chụp – hãy ngồi xuống ngang tầm độ cao của thú cưng để tạo ra những bức ảnh hấp dẫn hơn.
Cho thú cưng ăn nhiều thứ để thu hút chú ý – bạn nên cho thú cưng ăn từng chút một, đừng lạm dụng đồ ăn!
Phớt lờ sự thoải mái của thú cưng – buổi chụp ảnh thú cưng sẽ hiệu quả khi chúng thoải mái, vì vậy hãy đảm bảo an toàn trong quá trình chụp.
EF24-70mm f/2.8L IS USM II, f/4, ISO 500, 1/200s, 24mm
Đơn giản vậy thôi, bạn đã có được khá nhiều lời khuyên hữu ích để chụp ảnh thú cưng. Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy ghi nhớ kỹ những điều này trước khi bắt tay vào chụp.