Một câu hỏi phổ biến chúng ta đặt ra khi xem ảnh phong cảnh của các nhiếp ảnh gia là “làm thế nào để ảnh sắc nét được như vậy?” Thực ra nó không quá khó, về cơ bản là tránh sự chuyển động của máy khi màn trập đang mở, lấy nét tốt và chọn khẩu độ phù hợp với sự sáng tạo của bạn.
1. Sử dụng chân máy (tripod)
Điều hiển nhiên, nhiều người chụp ảnh phong cảnh sử dụng chân máy. Tuy nhiên, họ lại đặt chân máy không vững chắc và làm cho máy rung lắc trong quá trình chụp
- Vị trí đặt chân máy có nền đất không chắc chắn, tơi xốp làm cho máy dễ xê dịch khi gió thổi: Bạn cần kiếm vị trí tốt, nếu nền đất xốp phải dùng sức cắm chặt chân máy xuống.
- Đầu khóa dưới máy ảnh lỏng lẻo: thật lạ là nhiều người mắc lỗi này, sau khi căn chỉnh vị trí máy, hãy vặn các chốt khóa cho thật chặt.
2. Trong khi chụp, không nên đặt tay lên chân máy
Không ít người có thói quen dùng tay giữ chặt chân máy khi chụp. Điều này nên tránh, bởi vì nó không những không làm cho máy vững chắc hơn, mà các rung động từ bàn tay sẽ làm cho máy rung lắc. Sau khi thiết lập chân máy vững vàng rồi thì bạn không nên đụng chạm gì vào nó cả.
3. Sử dụng chức năng hẹn giờ chụp hoặc điều khiển từ xa
Khi bấm nút chụp, ít nhiều bạn đã tác động một lực vào máy ảnh và khiến máy rung lắc. Bạn hãy chuyển qua chế độ hẹn giờ chụp 2 giây (nhấn nút xong thả ra, 2 giây sau máy mới chụp). Hoặc tiện hơn nữa là mua một cái điều khiển từ xa (remote) để bấm chụp mà không đụng vào máy, giá của nó chỉ khoảng 150.000 đ.
4. Các ống kính giá rẻ hay bị mất nét khi xoay filter gắn thêm
Đây là điều bạn cần lưu ý khi sử dụng những ống kính bình dân như ống Kit. Vòng nét trên các ống kính này rất dễ bị lệch làm thay đổi điểm lấy nét (các ống kính “xịn” có vòng nét rất chắc, không bị trường hợp này). Nhiều người đặt máy, lấy nét hoàn hảo, rồi sau đó cảm thấy cần gắn thêm filter, bấm chụp, và kết quả ra ảnh mờ sai nét. Bạn có thể khắc phục điều này bằng cách lấy nét lại trước khi nhấn nút chụp.
5. Chuyển qua chế độ khóa gương lật (mirror lockup) nếu bạn đang dùng máy DSLR
Gương lật nằm bên trong máy ảnh, nó có nhiệm vụ phản chiếu ánh sáng đi vào ống kính để bạn có thể nhìn thấy trước qua kính ngắm. Khi nhấn chụp thì gương lật sẽ được lật lên trên để ánh sáng đi vào cảm biến nằm phía sau.
Chụp ảnh phơi sáng thì chỉ một chuyển động nhỏ nhất cũng có thể làm rung máy, gây hiện tượng mờ nhòe. Sau khi ngắm nghía, căn chỉnh hoàn hảo, bạn hãy chuyển máy sang chế độ khóa gương lật (tất nhiên lúc này kính ngắm sẽ không sử dụng được, chụp xong bạn có thể chỉnh lại chế độ cũ).
6. Tháo dây đeo máy ảnh
Dây đeo rất tiện lợi và thời trang để mang máy bên mình. Nhưng nó cũng làm cho máy rung lắc khi có gió thổi. Hãy tháo dây đeo ra nếu bạn muốn chụp bức ảnh thật sắc nét.
7. Gắn thêm đồ vật vào chân máy
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chân máy giá rẻ, và không phải ai cũng biết chọn chân máy phù hợp. Chân máy giá rẻ có trọng lượng rất nhẹ, dễ dàng bị gió thổi gây rung lắc. Thật may là hầu hết các chân máy đều có thêm móc gắn đồ gia tăng trọng lượng. Bạn hãy cột thêm những vật nặng như balo vào để cho chân máy vững chắc hơn.
8. Thiết lập khẩu độ hẹp (số F lớn)
Chụp ảnh phong cảnh, hầu hết mọi người đều muốn mọi thứ sắc nét. Điều này có thể thực hiện bằng cách tăng độ sâu trường ảnh thật rộng, tức là khi đó máy ảnh khép khẩu nhỏ lại, chỉ số F lớn lên.
Khẩu độ thường dùng khi chụp ảnh phong cảnh là F11 và F16, khi đó ảnh nét từ đầu tới cuối và chất lượng ảnh cũng tốt nhất. Nếu bạn khép khẩu nhỏ hơn như F22, ảnh sẽ giảm chất lượng do nhiễu xạ ánh sáng, ảnh vẫn nét từ đầu tới cuối nhưng chi tiết hơi bệt, đường nét không “bén”.
Lưu ý thêm:
Nếu bạn muốn sáng tạo với khẩu lớn như F2.8 để có chủ thể cảnh vật rõ nét đi cùng hậu cảnh mờ, xóa phông, thì vẫn tốt. Nhưng cần cân nhắc ống kính đang sử dụng, bởi các ống kính góc rộng chụp phong cảnh thường có số lượng lá khẩu ít, có nghĩa là nó tạo ra bokeh không đẹp mắt, không mềm mịn được như các ống kính chân dung.
9. Chọn điểm lấy nét
Lấy nét vào đâu là điều mà nhiều bạn mới chụp phong cảnh băn khoăn. Đừng chọn nét vào vật gần bạn nhất mà hãy lấy nét vào vùng ở giữa khung cảnh của bạn. Nếu có chủ thể rõ ràng thì tất nhiên đây là điểm cần bắt nét, hoặc có một điểm nhấn với độ tương phản cao. Bạn cũng có thể lấy nét ở vô cực, nhưng hãy cẩn thận vì có nhiều ống kính góc rộng bị lỗi nét ở vị trí vô cực, có thể làm cách an toàn hơn là xoay ống kính chạm mốc vô cực rồi xoay nhẹ lại 1 chút.
10. Sử dụng chức năng phóng to trên Live View hoặc EVF
Hầu hết các máy ảnh từ sau năm 2008 đều được trang bị khả năng Live View (xem trực tiếp trên màn hình điện tử trước khi chụp) và nhiều máy tiên tiến có EVF (kính ngắm điện tử). Bạn nên sử dụng chức năng Live View và phóng to lên ở điểm cần lấy nét chính xác, điều này cũng có thể thực hiện tương tự ở EVF. Làm như vậy sẽ giúp lấy nét dễ dàng hơn và không bị phân tâm bởi các ánh sáng phức tạp trong khung ảnh. Đồng thời, hãy tắt chức năng lấy nét tự động nếu bạn quyết định lấy nét thủ công qua màn hình Live View.
10 lời khuyên trên sẽ làm cho bức ảnh chụp phong cảnh của bạn cải thiện đáng kể. Hãy ghi nhớ và thực hành thường xuyên. Sẽ thật tuyệt vời khi bạn có thể ghi lại cảnh vật hùng vĩ trước mặt mình một cách rõ nét, chân thực và sống động.