Chụp ảnh phong cảnh: Ống kính hướng tới biển khơi

Sự tráng lệ của đại dương có muôn hình vạn trạng – đó là mặt nước xanh ngọc lấp lánh, êm đềm trải dài cho tới chân trời hay là những con sóng xanh thẫm với viền bọt trắng xoá đầy dữ đội. Để ghi lại năng lượng sống động, không thể tiên lượng đó là cả một nghệ thuật và nếu bạn nhận thấy ống kính của mình muốn hướng tới biển khơi, hãy tìm hiểu thêm về chụp ảnh biển tại đây.

Ảnh do Andrew Thackway chụp với máy EOS 6D, ống kính EF 24-105 mm f/4L IS USM, f/18, 11 giây, 24 mm, ISO 100

Về cơ bản, chụp hình cảnh biển là một nhánh của chụp ảnh phong cảnh, nhưng môn nghệ thuật này lại không dễ dàng như người ta nghĩ. Cũng như chụp ảnh phong cảnh, vì tác nghiệp ngoài trời nên bạn phải chấp nhận thế giới tự nhiên như nó vốn vậy bởi lẽ bạn không thể kiểm soát thời tiết. Tuy nhiên, điều duy nhất mà bạn có thể kiểm soát là sự xuất hiện của những con sóng – bạn có thể muốn chúng trông như thuỷ tinh, đầy uyển chuyển hay dâng trào với chuyển động và sức mạnh.

 

Ảnh do Jonathan Dinh chụp với máy EOS 60D, ống kính EF 24-105 mm f/4L IS USM, f/11, 1/8 giây, 47 mm, ISO 800

Chụp cảnh biển có thể là một chủ đề đầy thách thức, song bờ biển lại đem đến sự phối hợp độc đáo giữa các yếu tố và điều kiện thời tiết không giống bất kỳ nơi đâu – điều này khiến những nỗ lực chụp lại cảnh biển thật đáng giá. Với một chút kiên nhẫn và thực hành, bạn sẽ chụp được những bức ảnh thực sự ấn tượng.

 

Thiết bị cần thiết

E Ảnh do Davide D’Amico chụp với máy EOS 5D Mark III, ống kính EF 16-35 mm f/2.8L II USM, f/2.8, 1/8000, 35 mm, ISO 100

Ống kính góc rộng và loa che nắng: Dù việc lựa chọn ống kính phụ thuộc vào hiệu ứng mà bạn muốn có được, nhưng hầu hết các nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh biển lựa chọn các ống kính góc rộng để ghi lại cảnh vật nhiều nhất có thể. Một ống kính góc rộng cũng giúp truyền tải cảm giác hùng tráng – vậy nên hãy chọn tiêu cự rộng hơn 35 mm, mặc dù bạn vẫn có thể chụp được những bức hình đẹp với các tiêu cự khác. Không bắt buộc phải trang bị loa che nắng nếu bạn đã có kính lọc UV, nhưng loa che nắng có thể giúp loại bỏ ánh sáng loá, tăng độ tương phản và bảo vệ ống kính của bạn khỏi bụi nước biển.

 

Ảnh do Gemma Stiles chụp với máy EOS 5D Mark III, ống kính EF 17-40 mm f/4L USM, f/11, 0.6 giây, 17 mm, ISO 100

Giá ba chân và điều khiển từ xa: Có khả năng bạn sẽ chụp rất nhiều các bức hình phơi sáng dài – đây chính là lúc cần dùng tới giá ba chân. Hãy xem xét đầu tư thêm một chút khi mua giá ba chân bởi nó sẽ phải thường xuyên “dầm mưa dãi nắng”. Dù bạn vẫn có thể sử dụng chế độ tự hẹn giờ trên máy ảnh, nhưng một chiếc điều khiển từ xa sẽ giúp giảm thiểu tối đa việc làm rung máy.

Pin dự phòng: liên tục chụp hình phơi sáng dài sẽ “vắt kiệt” pin của bạn, và chắc hẳn bạn không muốn rơi vào cảnh máy ảnh tắt nguồn ngay khi chuẩn bị chụp những con sóng tráng lệ.

Ảnh do Graeme Law chụp với máy EOS 7D, ống kính EF-S15-85 mm f/3.5-5.6 IS USM, f/16, 1/60 giây, 15 mm, ISO 100

Kính lọc: Có ba loại kính lọc bạn có thể cân nhắc khi chụp ảnh biển. Kính lọc phân cực giúp bạn giảm độ chói và phản chiếu, tạo ra màu sắc bão hòa hơn và biến bầu trời thành một màu xanh thẫm. Kính lọc này giảm phơi sáng của bạn khoảng 2 lần ngừng, điều này rất hữu ích nếu bạn muốn có được hiệu ứng mờ trên mặt nước. Một kính lọc cường độ trung bình (Neutral Density) giảm lượng ánh sáng đi qua và cho phép bạn chụp ở tốc độc cửa trập chậm hơn, có mức độ giảm sáng từ 1 lần ngừng đến 10 lần ngừng. Các loại kính lọc này không có tác động tới màu sắc, tông màu hay độ bão hoà. Cuối cùng, kính lọc trung lập biến đổi ánh sáng (Graduated Neutral Density) giúp cân bằng phơi sáng giữa phần tiền cảnh và hậu cảnh – đây là một vấn đề khá rắc rối khi bạn chụp một cảnh vật có bầu trời.

Dung dịch và vải vệ sinh ống kính: chụp ảnh gần biển nghĩa là thiết bị của bạn sẽ thường bị tinh thể muối bám vào. Luôn vệ sinh đồ nghề của mình sau khi buổi chụp hình kết thúc và hãy nhớ lau chùi nhẹ nhàng bởi tinh thể muối khô có thể làm ống kính của bạn bị xước.

 

Những điểm lưu ý

Ảnh do The Narratographer chụp với máy EOS 5DS R, ống kính EF 16-35 mm f/4L IS USM, f/8, 2 giây, 16 mm, ISO 50

Thời điểm trong ngày: Kiên nhẫn là chìa khoá thành công trong chụp phong cảnh biển, bởi lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mẹ thiên nhiên sẽ mang đến điều gì! Một trong những nhân tố quan trọng nhất khi chụp phong cảnh biển là ánh sáng, do vậy hãy cân nhắc thời gian trong ngày mà bạn chụp hình.

 

Ảnh do Jopetsy chụp với máy EOS 5D Mark II, ống kính EF 17-40 mm f/4L USM, f/14, 1/4 giây, 17 mm, ISO 50

Tốc độ cửa trập: Khi chụp ảnh có liên quan tới nước, tốc độ cửa trập có vai trò thiết yếu tới chất lượng sản phẩm cuối cùng của bạn. Tốc độ cửa trập nhanh hơn có thể khiến hành động như ngưng đọng và lý tưởng cho những bức hình sóng biển cuộn trào hay những con sóng thủy triều xô bờ, trong khi đó tốc độ cửa trập chậm hơn có thể làm nhoè mặt nước và tạo hiệu ứng “sương khói” cho tấm ảnh của bạn. Không có một quy tắc bất di bất dịch cho việc bạn nên sử dụng tốc độ cửa trập nào, vì vậy hãy thoả sức thử nghiệm.

Ảnh do Andrew Thackway chụp với máy EOS 6D, ống kính EF 24-105 mm f/4L IS USM, f/20, 135 giây, 24 mm, ISO 100

Độ sâu trường ảnh và bố cục: Đừng chỉ chụp cảnh biển đúng như nó vốn vậy – hãy tìm kiếm những yếu tố thú vị xung quanh mà bạn có thể kết hợp vào tấm hình để tạo thêm chiều sâu cho nó. Hãy xem tìm kiếm các hòn đá, rễ cây nhô ra từ bờ cát hay thậm chí là một cầu tàu nhô ra từ xa để tạo một vài đường nét. Với hầu hết các thể loại nhiếp ảnh, đừng quên quy tắc một phần ba.

 

Tác nghiệp với các yếu tố tự nhiên

Ảnh do Brian Roberts chụp với máy EOS 6D, ống kính EF 24-105 mm f/4L IS USM, f/16, 120 giây, 28 mm, ISO 100

Các mỏm đá: Hãy chụp hình với một mỏm đá. Nếu có nhiều mỏm đá ở gần, chúng có thể tạo ra vị trí vô cùng thuận lợi để bạn có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp khi đứng trên đó. Chụp xuống bãi biển và đảm bảo rằng bạn kết hợp các quần thể đá lớn vào trong khung hình có thể tạo ra hiệu ứng hình ảnh đầy sức mạnh.

Cát: Thử sức với cát ướt bởi nó đem đến những phản chiếu hết sức thú vị. Cát trông rất đẹp khi được xử lý đơn sắc.

Ảnh do Jeremy Segrott chụp với máy EOS 400D, ống kính EF-S18-55 mm f/3.5-5.6, f/6.3, 1/160 giây, 31 mm, ISO 800

Thời tiết: Dù bạn không thể kiểm soát thời tiết nhưng lại có thể lợi dụng nó để có lợi cho mình. Những ngày bão cho phép bạn chụp được những tấm hình cực kỳ ấn tượng – hãy tưởng tượng những đám mây bão cuồn cuộn và những con sóng xô bờ, trong khi chụp hình vào một ngày sóng yên biển lặng lại tạo ra những tấm bưu ảnh hoàn hảo.

Chú ý tới thuỷ triều – Triều thấp cho phép bạn chụp cảnh bờ biển nhiều hơn, các sinh vật bé nhỏ và những vật thể khác như một nhành gỗ trôi dạt hay rong biển có thể xuất hiện để tạo thêm chiều sâu cho bức ảnh. Chụp ảnh khi triều cao, bạn có thể ghi lại những tấm ảnh như con sóng xô vào bãi đá.

 

An toàn là ưu tiên hàng đầu

Dù chụp phong cảnh biển có thể rất thú vị, nhưng hãy luôn nhớ kĩ rằng chụp hình ở biển cũng nguy hiểm. Có thể bạn sẽ phải đi trên một bề mặt trơn trượt và những con triều dâng đến gần với khả năng thiết bị của bạn bị những con sóng bất ngờ xô đến cuốn trôi. Hãy cẩn thận, tiến lên và chụp hình.

Tóm tắt mẹo chụp:

  • Tốc độ cửa trập quyết định hiệu ứng cho cảnh biển – hãy xem bạn muốn biển khơi hiện lên như một tấm thảm thuỷ tinh mềm mại hay những chụp lại những con sóng xô bờ và điều chỉnh cho phù hợp.
  • Các ống kính góc rộng sẽ tạo cảm giác hùng tráng cho bức ảnh, hãy lựa chọn tiêu cự rộng hơn 35 mm.
  • Các yếu tố tự nhiên là “bạn của ta”. Một mỏm đá bên sườn biển hay nhành gỗ trôi dạt dọc bờ biển có thể cải thiện bố cục của tấm ảnh.
  • Luôn che chắn và giữ thiết bị khô ráo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0988.225.880 CHAT NGAY