Câu hỏi này mình nghe nhiều nhưng giờ mới có dịp viết. Trước khi chia sẻ mình nên nói tới mục đích chụp ảnh của bạn nhỉ? Vì mục đích của bạn rất liên quan đến hướng tiếp cận, hay gọi khác là cách tư duy nhiếp ảnh. Nếu bạn không chụp ảnh nội thất để kiếm tiền, thì bạn không cần phải xem hàng giờ video của các photographer chuyên nghiệp với hàng đống thiết bị đắt tiền làm gì đâu.
Thật ra bài viết này đúng hơn là mình sẽ chia sẻ cách để các bạn chụp ảnh nội thất đẹp hơn, dù các bạn đang ở nơi đâu, trong hoàn cảnh nào đi nữa.Và bài viết này chỉ là kinh nghiệm của riêng mình. Có thể đúng sai trong những điều kiện nhất định. Mong bạn cứ đóng góp bình luận bổ sung cho những thiếu sót của mình.
Bạn có thể ngẫm xem. Bạn từng đi đến những nơi lạ, chụp nhiều bức ảnh đẹp. Nhưng về đến nhà, khu phố quen thuộc thì sao? Chưa chắc bạn có hứng và chụp đẹp đúng không? Nhiều khi bạn đến một nơi mới. Bạn dành thời gian đẹp nhất trong ngày để đi, bạn chụp hàng chục tấm hình vì lạ. Vậy là có khi bạn chụp đẹp. Nên một bức ảnh travel, hay nội thất đều có thể đẹp khi bạn kết hợp vài yếu tố như:
-
Máy ảnh, ống kính tốt, chụp nhiều
-
Sự sắp xếp tốt, cảnh đẹp (decor)
-
Ánh sáng tự nhiên tốt, thời điểm đẹp (Bao gồm cả chất, số lượng và hướng sáng nhé)
Vậy ở đây vấn đề là hướng tiếp cận. Bạn mới bắt đầu, bạn dùng DSLR tầm trung hoặc điện thoại thì hãy tập trung vào sự sắp xếp cho đẹp (mood) và canh thời điểm ánh sáng cho ra cảm xúc & màu ảnh (feeling & tone) là được.
Nếu bạn không chụp ảnh kiếm tiền. Thì bạn cũng không cần quan tâm đến máy móc và sử dụng ánh sáng từ flash. Nếu bạn biết dùng flash để giả được ánh sáng đẹp nhất của ngày, thì thôi bạn đừng chê mình là được rồi :))
Tip 1: Tắt đèn và dùng ánh sáng tự nhiên.
Nếu bạn chụp nhà, cà phê, công trình không mang tính nghiêm túc thì hãy luôn tắt đèn chính. Ánh sáng tự nhiên luôn là cách tốt nhất để chụp ảnh nội thất. Mở rèm cửa sổ, thậm chí là cửa ra vào để căn phòng tràn ngập ánh sáng. Bạn sẽ thấy nhiều bộ ảnh mình vẫn để đèn trang trí… Vì yêu cầu khách hàng cần thế. Nếu bạn không chụp chuyên nghiệp và phải theo quy trình đặc biệt nào đó. Cứ thử tắt hết.
Mình cần phải nói lý do vì sao nên tắt đèn. Thường đèn chiếu sáng chính sẽ nằm trên cao. Việc này có hai cái hại, đó là ánh sáng phẳng, và bóng do nó tạo ra không đẹp. Vì nguồn sáng đèn này rất nhỏ nên bóng đổ sẽ lớn và bén. Ánh sáng phẳng không hẳn là xấu. Nó chỉ làm cho mọi thứ trở nên cứng, mất đi cảm xúc. Đèn trang trí thì vẫn có thể để mở tuỳ theo hiện trạng nhé.
Bạn nên dùng la bàn trong điện thoại để kiểm tra xem hướng nhà. Khi nào ánh sáng chiếu vào cửa sổ đẹp. Có những không gian ánh sáng hắt xiên sẽ đẹp. Cũng có những không gian khi trời hơi đầy mây (nó là một cái tản sáng lớn đấy), ánh sáng dìu dịu sẽ đẹp. Bạn nên tham khảo trước thời tiết luôn nhé. Mỗi loại ánh sáng tự nhiên khác nhau sẽ cho ra cảm xúc ảnh khác nhau.
Tip 2: Khẩu độ, độ mở ống kính, tiêu cự, xoá phông….
Cái này thì dễ nhưng cũng cần phải nói nếu bạn chụp bằng máy DSLR. Với ống kính rộng 15-30mm. Nên dùng khẩu F8-F9, không cần bạn phải chụp F11 trở lên. Vì khi khẩu khép quá sâu, hình dễ bị dơ bởi bụi trong len và sensor. Và khi phơi sáng dễ bị rung.
Việc cần nói đến tiếp là tiêu cự. Bạn đừng quá tập trung chụp rộng thừa mứa. Mở ống kính đến rộng hơn 18mm trong hầu hết các lần chụp. Mình đã mắc lỗi này những năm đầu chụp ảnh nội thất. Việc kéo giãn một mảng tường trơn ra méo tỉ lệ chẳng có gì hay ho. Và tương tự với việc núp tận trong góc tường chụp ra. Nó chỉ làm kéo dãn những thứ không cần thiết mà thôi.
Bạn nên có một ống kính 50, 85 hoặc 100mm. Nếu bạn xài điện thoại có hai chế độ chụp thì cũng tốt. Việc bạn chụp những chi tiết nhỏ để nói lên lối sống (life style) của người dùng hay công năng của đồ vật sẽ mang lại cảm giác ấn tượng hơn. Đôi lúc một bộ trà bên góc bàn nói lên nhiều điều về không gian sống và cả những tính cách ẩn bên trong. Mình sẽ nói điều này thêm ở phần sau.
Tip 3: Dọn dẹp và trang trí
Việc cực đơn giản nhưng khá nhiều bạn quên. Mình luôn dọn sạch sẽ mọi thứ có thể được coi là vướng khung hình. Sắp xếp lại đồ cho gọn gàng theo hàng lối. Ghế, bàn phải thẳng chân sàn, chỉ trần. Đừng quên dây điện, dây cáp, rác vụn… Tất cả những việc nhỏ này làm cho hình bạn chỉnh chu và thuận mắt. Đôi khi bạn có thể xê xích một chút đồ vật cho giống thật. Nhưng những thứ ngăn nắp tổng thể kia sẽ giữ hình bạn chụp vẫn chỉnh chu và sạch sẽ.
Cố gắng trang trí thêm cho không gian nếu được. Một vài bình hoa, một bữa sáng, một bộ trà hay vài cuốn sách đầu giường sẽ giúp không gian có hơi người hơn. Hình các bạn sẽ cảm xúc hơn.
Tip 4: Hoạ tiết và đồ đạc nói lên life style (lối sống)
Như mình đã nói ở trên. Một bộ trà bên góc bàn có thể nói lên nhiều điều về không gian sống và cả những tính cách ẩn bên trong. Bạn hãy bỏ thời gian ngắm nhìn, tập trung vào đồ đạc và hoạ tiết. Những bộ trà, giá sách, bình hoa, nắm cửa… chính là những chi tiết bạn cần phải hiểu.
Kiến trúc ngoài hình khối ra, còn có cả vật liệu, pattern, hoạ tiết đặc trưng. Nó thể hiện từng thể loại thiết kế, tính cách không gian, từng thời kỳ, từng địa danh lưu hành hay sản xuất… Có những lúc chụp mình không hiểu ngay, nhưng mình vẫn chú ý để có thể tìm hiểu sau. Bạn muốn chụp không gian đẹp, cần lưu ý việc này.
Việc bạn cảm được không gian, hiểu được hoạ tiết và các đồ đạc cũng giúp bạn trang trí thêm cho không gian hài hoà tổng thể như mình nói ở trên. Và nhớ chụp chi tiết dùng tiêu cự zoom của phone, 50 hoặc 100mm của ống kính nhé. Đừng dí ống rộng vào chi tiết và hoạ tiết. Thảm hoạ đấy.
Tip 5: Sự tương tác
Có nhiều khi đi chụp ảnh, dù mình chỉnh chu hết mọi thứ rồi nhưng ảnh vẫn chán. Có những lúc mình chụp văn phòng hay nhà ở. Một không gian lúc thực tế tấp nập hơi người. Lên ảnh thì trống trơn. Đấy nó chán có thể tại nó sai với cảm xúc. Cái đống vật dụng trang trí ở tip trên đấy chỉ để mang hơi người vào. Vậy sao mình không mang hẳn con người vào nơi không thể trang trí.
Bạn thấy giữa ảnh văn phòng trống trơn và có một bạn gái, hình nào ấn tượng hơn?
Tip 6: Sử dụng live view và canh đường chân trời
Nhớ dùng live view. Nhớ canh thẳng chân trời. Vì khi máy bạn thẳng, bạn mới thấy được tranh bị nghiêng, bàn bị lệch, đèn chùm bị méo, giường bị vênh… Chỉ vậy thôi nhưng quan trọng. Về chỉnh sửa không được đâu hoặc rất mất thời gian. Đừng chủ quan. Nếu không phải phone thì nên chụp máy nào màn hình xoay lật được. Nhớ nhé, mọi thứ ngăn nắp sẽ làm hình ảnh bạn có cảm giác chỉnh chu và có tâm.
Tip 7: Chân máy
Dùng chân máy cho DSLR hoặc điện thoại đều được. Và nên có nhé. Cái này đa phần các bạn dùng DSLR đều biết. Nhưng mình khuyên thêm nhé. Nên mua chân máy loại xoay vặn ba trục riêng lẻ, đừng mua đầu bi. Vì đầu bi canh thẳng cả đường đứng lẫn ngang rất mệt, không tinh chỉnh ít được.
Nếu được thì hãy đầu tư thêm L-bracket / L-plate. Cái miếng ốp này giúp bạn thay đổi khung ngang thành dọc rất nhanh. Không cần xoay vặn chân máy rất tiện.
Tip 8: Góc rộng có gì sai?
Cái này vui đây. Mình từng dùng ống kính 14-24mm Nikon suốt một thời gian dài với tiêu cự 14mm. Cho đến một ngày được làm việc với một anh kiến trúc sư mình thích. Nhưng feedback của anh cho bộ hình của mình là chụp nhà nhìn như cái showroom.
Sau đợt trao đổi đấy. Mình học được nhiều từ bộ ảnh đấy cách nhìn không gian. Không nhất thiết phải rộng. Nếu cần ảnh toàn cảnh, hãy bắt đầu với tiêu cự 24mm mở rộng ra đến nội dung không gian cần thể hiện. Việc bạn kéo giãn mảng tường rộng vô hồn hay ôm đồm tất cả trong một tấm ảnh. Nếu bạn không khéo sẽ dễ khiến ảnh có cảm giác “trọc phú” và như cái showroom. Và nhìn rất không chuyên nghiệp. Câu thần chú ở trên là dành cho bạn nào xài DSLR.
Mình muốn nhấn mạnh chữ chụp ảnh nội thất với 24-70mm. Vì bạn cần ống kính wide nhiều khi bạn chụp ảnh kiến trúc. Bạn muốn thể hiện đường nét của khối kiến trúc, mở rộng không gian, nhấn mạnh đặc điểm nào đó của công trình.
Nếu bạn dùng điện thoại. Tránh xa cái ultra super alpha wide camera gì đó. Hãy bắt đầu với tiêu cự zoom và lùi lại. Nếu cảm thấy chưa ổn, hãy dùng chế độ cơ bản, tiến lại gần hết mức và bắt đầu lùi tới khi ưng ý.
Dưới đây là ví dụ minh hoạ nếu bạn chụp góc rộng. Hãy quan tâm đến toàn cảnh, kiến trúc, sự sắp xếp. Đừng làm méo mó đồ đạc. Nếu hết cách rồi mà bạn vẫn muốn mở ống kính rộng hết cỡ. Thôi cứ chụp hai phiên bản với hai tiêu cự, rồi về so sánh hình ảnh nhé.
Khi bạn chụp ảnh càng rộng. Vì bức ảnh đã quá nhiều chi tiết thể hiện. Điều cần lưu ý nhất là cắt khung ảnh ngay những chỗ mà người xem có thể hình dung ra phần khuất còn lại. Hoặc an toàn nhất hãy cắt thấy mảng tường một chút. Mình thường cắt 1/3, 1/2 đồ vật lớn. Và đường cắt khung ảnh nên lấy trọn đồ vật nhỏ. Đừng cắt qua quá nhiều đồ vật nhỏ. Nó làm rìa hình nhìn rất rác và khó hiểu cái đống đấy chứa gì.
Tip 9: Chụp từ giữa độ cao không gian
Đây là thần chú cơ bản nhé. Bạn hãy bắt đầu máy với độ cao bằng một nửa độ cao không gian phòng. Việc bạn bắt đầu từ giữa độ cao không gian sẽ giúp ảnh cân bằng trên dưới trong tình huống chụp ngang. Sau đó tăng giảm tuỳ theo bạn chụp cái gì. À nên tránh góc “cún nhìn”. Việc bạn chụp sát sàn nhà sẽ cho bức ảnh lạ, nhưng theo kinh nghiệm của mình thì khách hàng sẽ không chọn.
Xưa mình cũng được học từ chia sẻ của một người thầy. Nội dung đại khái như mình phải nhìn mục đích thiết kế của kiến trúc sư và thiết kế nội thất. Chụp với góc người nhìn, các góc nhìn lúc sử dụng đồ đạc như góc ngồi, góc nằm, góc nhìn lan can… Mình thấy đây cũng là một ý kiến hay để bạn tham khảo.
Tip 10: Chuyện kỹ thuật
Mình tính không nói phần này vì nó khá là nguyên tắc. Thông thường mình sẽ chụp HDR với những không gian ánh sáng tương phản. Bạn có thể chụp bracket ba ảnh ba stop để ghép hoặc dùng điện thoại chế độ HDR nhé. Ba lần phơi sáng của bạn sẽ là một ảnh phơi sáng thông thường, -1 điểm phơi sáng và +1 điểm phơi sáng.
Bạn dùng DSLR thì hãy nhớ một lần nữa, F9 hầu hết là đủ, đừng khép khẩu quá sâu làm ảnh dơ bởi bụi sensor và thời gian phơi sẽ dài làm ảnh rung.