Trong các bài viết trước, chúng ta đã biết rằng ống kính góc siêu rộng có khả năng xuất sắc trong việc tạo ra các đường dẫn hướng nhờ vào cách chúng phóng đại phối cảnh và làm cho các đường thẳng có vẻ dài hơn. Khi so sánh, ống kính tele sẽ nén phối cảnh, nhưng hiệu ứng này đối với các đường dẫn hướng trên thực tế có thể hoạt động hiệu quả hơn tùy vào tầm nhìn nghệ thuật của bạn! Sau đây là cách mà một nhiếp ảnh gia sử dụng nó để áp dụng ý tưởng của mình.
Ý tưởng đằng sau ảnh này: “Giấc Mộng Đêm Xuân”
Ảnh phản ánh hình ảnh thực tế của đối tượng, nhưng tôi cho rằng những gì bạn hình dung cũng sẽ phản ánh cái nhìn cá nhân của bạn bên cạnh kiến thức của bạn về đối tượng của mình.
Sau khi tôi nhắm máy ảnh vào đối tượng, trước khi nhả cửa trập, tôi hình dung ra mình muốn ảnh cuối cùng trông như thế nào. Với ảnh này, tôi lấy cảm hứng từ vẻ quyến rũ của hoa anh đào vào ban đêm và cảm giác mơ mộng của cảnh này, do đó có ý tưởng “Giấc Mộng Đêm Xuân”.
2 việc tôi cần làm để có được tấm ảnh tôi hình dung:
i) Giảm các yếu tố gợi tính hiện thực
ii) Thu hút sự chú ý của người xem vào sâu hơn trong cảnh để họ sẽ “đắm chìm” trong nó.
Đạt được những yếu tố này bằng cách:
– Sử dụng một thiết lập cân bằng trắng lạnh
– Sử dụng độ sâu trường ảnh nông và hiệu ứng nén phối cảnh của ống kính tele
Kỹ thuật 1: Sử dụng hiệu ứng nén phối cảnh tele để đưa người xem vào sâu trong cảnh
Ảnh được chụp trên một con dốc đi lên, giúp quan sát xa. Điều này có nghĩa là người xem có thể dễ dàng bị xao lãng bởi những khoảng trống và các yếu tố như trời xanh bạn thấy ở ảnh 70mm bên dưới.
Sử dụng đầu tele 200mm không chỉ loại bỏ phần bầu trời ra khỏi khung mình, mà còn làm cho hoa anh đào có vẻ gần nhau hơn và do đó có vẻ nhiều hơn nhờ vào hiệu ứng nén phối cảnh. Tôi thấy rằng đây là một cách rất hiệu quả để loại bỏ các yếu tố gây xao lãng và làm cho ảnh ấn tượng hơn.
Thủ thuật: Cải thiện thêm hiệu ứng này bằng cách sử dụng một khẩu độ rộng hơn để tạo ra hiệu ứng bokeh. Đối với ảnh này, tôi tạo ra hiệu ứng bokeh ở tiền cảnh, nó thu hút ánh mắt của người xem vào các khu vực đúng nét ở giữa hậu cảnh của ảnh.
Kỹ thuật 2: Chụp từ một vị trí thấp
Những đường thẳng tạo thành bởi đường ray là các đường dẫn trực quan dẫn dắt ánh mắt của người xem vào hàng cây hoa anh đào. Điều này tạo ra ảo giác về độ sâu, và trong ảnh này, chúng cũng góp phần tạo ra cảm giác ấn tượng, giống như trong phim.
Vị trí thấp dẫn đến hiệu ứng định hướng trực quan mạnh hơn so với tầm mắt hoặc vị trí cao.
Cẩn thận đảm bảo có thể nhận ra đường ray, tôi cố chụp từ các chiều cao khác nhau ở vị trí thấp. Như bạn có thể thấy, không nhất thiết phải là “càng thấp thì càng tốt”.
Cách mặt đất 75cm: Quá cao
Vì máy ảnh cách mặt đất xa hơn so với các ảnh bên dưới, có ít hiệu ứng bokeh tiền cảnh hơn. Đường ray có vẻ dài hơn, nhưng mắt chúng ta bị thu hút nhiều hơn vào điểm triệt tiêu ở xa. Nó mang lại độ sâu nhiều hơn cho cảnh, nhưng cũng tăng khoảng cách: Chúng ta có cảm giác ít đắm chìm trong cảnh hơn so với khi không cảm thấy đầu đường ray ở rất xa. Đây cũng là lý do tại sao một vị trí cao hơn sẽ không mang lại cho tôi tấm ảnh mình muốn.
Cách mặt đất 25cm: Quá thấp
Quá gần mặt đất. Chúng ta chú ý nhiều hơn vào đường ray so với hàng cây hoa anh đào.
Cách mặt đất 50cm: Hiệu ứng lý tưởng của tôi
Ấn tượng trực quan của đường ray và hàng cây hoa anh đào có vẻ có sự cân bằng tốt.
Từ bên trên, chúng ta có thể kết luận rằng với cảnh này, các đường dẫn hướng là hiệu quả nhất khi máy ảnh cách mặt đất 50cm.
Lưu ý: Đừng xem đây như một quy tắc căn bản: Vị trí của máy ảnh phù hợp với bạn sẽ luôn phụ thuộc vào cảnh chụp của bạn và kết quả mà bạn hình dung. Sẽ hữu ích khi thử các vị trí và góc khác nhau cho đến khi bạn có được kết quả mong muốn!