Chúng ta thường mô tả một ống kính bằng độ dài tiêu cự của nó. Nó đề cập đến điều gì, và nó ảnh hưởng như thế nào đến ảnh của bạn? Hãy tìm hiểu trong bài viết này.
1. Giải thích cơ bản: Độ dài tiêu cự mô tả góc xem
Khi chọn ống kính, một trong những điều đầu tiên bạn phải quyết định là độ dài tiêu cự hay dải tiêu cự bạn muốn. Điều này là vì độ dài tiêu cự mô tả góc xem, có nghĩa là nó cho biết ống kính có thể ghi được bao nhiêu cảnh trước mặt bạn.
Độ dài tiêu cự ngắn hơn…
– Chụp được nhiều cảnh hơn (= có góc xem rộng hơn)
– Làm cho các vật thể ở xa trông nhỏ hơn (= có độ phóng đại thấp hơn)
Độ dài tiêu cự dài hơn…
– Chụp được ít cảnh hơn (= có góc xem hẹp hơn)
– Làm cho các vật thể ở xa có vẻ lớn hơn (= có độ phóng đại cao hơn)
Hãy xem điều gì xảy ra khi chúng ta chụp ở các độ dài tiêu cự khác nhau từ cùng một vị trí. Lưu ý: Để dễ minh họa, các góc thể hiện trong bài viết này là góc xem ngang.
Ở 16mm, chúng ta có thể chụp được toàn bộ mặt tiền của trạm cứu hỏa cũng như con đường và hàng rào ở tiền cảnh. Khi độ dài tiêu cự tăng lên, các chi tiết trong khung hình sẽ xuất hiện lớn hơn trong khi tiền cảnh và tòa nhà bị cắt nhiều hơn. 200mm cho chúng ta cái nhìn cận cảnh về tên tòa nhà và các đỉnh cột bên dưới nó.
Độ dài tiêu cự cũng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác của ảnh, chẳng hạn như phối cảnh và chiều sâu trường ảnh.
2. Phân loại ống kính theo độ dài tiêu cự
Ống kính được phân loại là góc rộng, tiêu chuẩn, hoặc tele tùy vào độ dài tiêu cự của chúng. Ống kính góc cực rộng là một tập hợp con của ống kính góc rộng, trong khi ống kính tele tầm trung và siêu tele là tập hợp con của ống kính tele.
Phân loại ống kính | Độ dài tiêu cự (tương đương 35mm) |
Góc cực rộng | 24mm trở xuống |
Góc rộng | 35mm trở xuống |
Tiêu chuẩn | 40mm đến <70mm |
Tele tầm trung | 70 đến 135mm |
Tele | > 135mm |
Siêu tele | 400mm trở lên |
Góc cực rộng
RF14-35mm f/4L IS USM @ 14mm, f/8, 0.5 giây, ISO 100
Ống kính góc cực rộng
Ống kính một tiêu cự: ≤24mm (full-frame), <15mm (APS-C)
Ống kính zoom: 11-24mm, 14-35mm, 15-30mm, v.v.
Ứng dụng phổ biến: Phong cảnh, nội thất
Ống kính góc cực rộng thu được nhiều khung hình đến mức chúng hoàn hảo để chụp đại cảnh và những vật thể lớn ngay trước mặt bạn, nhất là trong không gian chật hẹp mà bạn không thể lùi xa hơn.
Chụp ở 16 mm
Ống kính góc cực rộng phóng đại phối cảnh nên khoảng cách giữa các vật thể trông lớn hơn. Khi kết hợp với thị trường rộng, nó có thể mang lại cảm giác không gian.
Góc rộng
RF28mm f/2.8 STM @ 28mm, f/5.6, 1/320 giây, ISO 100
Ống kính góc rộng
Ống kính một tiêu cự: 28mm, 35mm (full-frame)/ 16mm, 22mm (APS-C)
Ống kính zoom: Gồm có ống kính zoom góc cực rộng và ống kính zoom tiêu chuẩn
Các mục đích sử dụng phổ biến (không phải góc cực rộng): Phong cảnh, tài liệu, đường phố, ảnh chụp nhanh
Khi bạn nhìn thẳng về phía trước bằng mắt thường, thị trường đúng nét nằm trong khoảng 50° đến 60°. Ống kính góc rộng là bất kỳ ống kính nào mang lại thị trường rộng hơn mức đó. Ống kính góc cực rộng là một loại ống kính góc rộng đặc biệt.
Chụp ở 35 mm
Tùy vào cảnh và ý định của bạn, bạn có thể không cần phải sử dụng ống kính cực rộng để đóng khung hoàn hảo những gì bạn muốn thể hiện.
Tiêu chuẩn
RF50mm f/1.2L IS USM @ f/1.2, 1/500 giây, ISO 200
Ống Kính Tiêu Chuẩn
Ống kính một tiêu cự: >35 mm đến khoảng 60 mm (full-frame)/ Khoảng 28 đến 35 mm (APS-C)
Ống kính zoom: Bất kỳ ống kính nào bao phủ phạm vi 50-60mm (full-frame) hoặc 32mm đến 40mm (APS-C)
Ứng dụng phổ biến: Du lịch, phong cảnh, đường phố, chân dung, đời thường! Đây là một trong những loại ống kính linh hoạt nhất.
Một ống kính tiêu chuẩn hay “bình thường” mang lại góc nhìn rất gần với góc nhìn của con người. Hầu hết các ống kính theo bộ là ống kính zoom tiêu chuẩn. Ống kính RF50mm f/1.8 STM phổ biến là ống kính tiêu chuẩn trên máy ảnh full-frame, trong khi RF28mm f/2.8 STM là ống kính tiêu chuẩn rộng hơn một chút trên máy ảnh APS-C.
RF24-50mm f/4.5-6.3 IS STM @ 50mm, f/8, 1/400 giây, ISO 100
Hãy để ý các tòa nhà dường như không hội tụ về phía trên như thế nào. Chúng sẽ hội tụ về phía trên khi chụp bằng một ống kính góc rộng do hiệu ứng phóng đại phối cảnh.
Tele
RF70-200mm f/2.8L IS USM @ 200mm, f/8, 1/320 giây, ISO 100
Ống kính tele
Ống kính một tiêu cự: Trên 135mm (full-frame); trên 85mm (APS-C)
Ống kính zoom: 70-200mm, 100-300mm (full-frame); 55-210mm (APS-C)
Ứng dụng phổ biến: Thiên nhiên, chân dung, hành động, hòa nhạc
Các loại ống kính tele đặc biệt
Ống kính tele tầm trung: 70mm đến 135mm (full-frame)/45 đến 85mm (APS-C)
Siêu tele: Xem điểm tiếp theo
Ống kính tele cung cấp góc nhìn hẹp hơn nhiều so với góc nhìn của con người. Ống kính 70-200mm cung cấp dải tiêu cự tele cổ điển.
Bất kỳ độ dài tiêu cự nào tương đương trên 135mm full-frame đều được xem là tele. Tuy nhiên, 70 đến 135mm (tương đương full-frame) được xem là tele tầm gần hoặc tầm trung. Những tiêu cự này phổ biến để chụp ảnh chân dung và sản phẩm do phối cảnh tự nhiên và khoảng cách làm việc thoải mái để chụp ảnh cận cảnh.
Siêu tele
RF600mm f/4L IS USM on EOS R7 @ 600mm (tương đương 840mm), f/4.5, 1/4000 giây, ISO 640
Để đến gần các loài chim và động vật hoang dã khác bạn cần có một loại ống kính tele đặc biệt: ống kính siêu tele. Bạn có thể muốn kết hợp nó với extender để tiếp cận xa hơn nữa.
Ống kính siêu tele
Ống kính một tiêu cự:
300 mm trở lên (full-frame)/ 200 mm trở lên (APS-C)
Ống kính zoom:
100-300mm, 100-400mm, 100-500mm (full-frame và APS-C)
Ứng dụng phổ biến: Động vật hoang dã, thể thao ở những địa điểm lớn hơn, hàng không, giám sát, chụp ảnh mặt trăng
RF800mm f/5.6L IS USM + Extender RF2x @ 1600mm, f/16, 1/1000 giây, ISO 400
Bạn cần một độ dài tiêu cự rất dài để chụp được ảnh cận cảnh chi tiết của mặt trăng mà không cần cắt xén. Ảnh bên trên được chụp ở 1600mm bằng ống kính 800mm và 2x extender.
3. Giải thích kỹ thuật (đơn giản hóa): Độ dài tiêu cự thực sự đề cập đến điều gì
Ánh sáng đi vào ống kính sẽ hội tụ (đi ngang) trên đường tới cảm biến hình ảnh. Điểm hội tụ này được gọi là quang tâm của ống kính và có tiêu điểm sắc nét nhất. Độ dài tiêu cự là khoảng cách giữa điểm hội tụ này và cảm biến hình ảnh.
Độ dài tiêu cự này được đo khi ống kính được lấy nét ở vô cực (ở khoảng cách xa). Điều này là vì khi ống kính được lấy nét ở vô cực, các tia sáng đi vào ống kính gần như song song. Khi lấy nét vào một đối tượng ở gần, chúng sẽ đi vào ống kính theo một góc.
Do đặc điểm vật lý, ống kính có độ dài tiêu cự ngắn hơn có góc xem rộng hơn, và ống kính có độ dài tiêu cự dài hơn có góc xem hẹp hơn. Và đó là cách chúng ta sử dụng độ dài tiêu cự để mô tả góc xem của một ống kính!