C
ôn trùng có thể có kích thước nhỏ bé, nhưng chúng chắc chắn không thiếu cá tính. Hãy dành một hoặc hai giờ trong khu vườn của mình để khám phá những tập tính thu hút của chúng, chẳng hạn như săn mồi, kiếm ăn và thậm chí là giao phối. À, và khi đến đó, bạn hãy mang theo máy ảnh Canon và quan sát để chụp được 5 khoảnh khắc thú vị của côn trùng nhé!
Hoạt động tương tác hàng ngày
Kiến đỏ đang di chuyển ấu trùng
Canon EOS 7D, EF100mm f/2.8 Macro USM, f5, ISO 160, 1/125s, 100mm
Ảnh trên được chụp gần một tổ kiến bị đổ và những con kiến thợ đang nháo nhào cứu những ấu trùng kiến. Vẻ đẹp của những bức ảnh như thế này nằm ở chỗ chúng giúp chúng ta có thể hiểu các tập tính và khuôn mẫu của côn trùng. Một tập tính bẩm sinh mang tính bản năng của chúng như di chuyển ấu trùng khi gặp nguy hiểm cho thấy cách chúng vận động và vượt qua chướng ngại vật như thế nào. Nếu có mối quan tâm đặc biệt đến loài kiến, bạn cũng có thể quan sát để chụp được khoảnh khắc chúng ngoạm thức ăn bằng hàm dưới (ảnh chụp nhiều hành động) hoặc các tập tính độc đáo của chúng như Khiêng xác (hành vi khiêng xác của những con kiến đã chết ra khỏi tổ) và các tập tính khác.
Mẹo: Hãy lần theo dấu vết của kiến và kiên nhẫn. Gần như chắc chắn bạn sẽ tìm thấy điều gì đó thú vị từ những con vật chăm chỉ này.
Ve sầu lột xác theo các lớp xếp chồng lên nhau
Canon EOS 7D, EF100mm f/2.8 Macro USM, f5, ISO 200, 1/60s, 100mm
Hơn nữa, thật đáng tiếc nếu bạn bỏ qua hình ảnh xác ve hoặc bộ xương ngoài của loài côn trùng này! Chúng có thể cho bạn những bức ảnh tuyệt vời, đặc biệt vì đó là những đối tượng chụp vô tri vô giác, bạn có thể di chuyển chúng xung quanh để tạo ra một bức ảnh nghệ thuật như ảnh trên.
Hiệu ứng Color Pop
Chú bọ ngựa
Canon EOS 200D, EF-S60mm f/2.8 Macro USM, f10, ISO 200, 1/250s, 60mm
Vương quốc côn trùng là một thế giới riêng nhộn nhịp, và hầu hết những loài côn trùng đều có màu sắc nổi bật phục vụ cả mục đích phòng thủ và tấn công. Có cách nào để thể hiện màu sắc nổi bật của chúng tốt hơn là một phông nền đen đơn thuần? Đèn flash sẽ tạo ra phông nền đen trong kỹ thuật chụp ảnh macro. Khi chiếu sáng đối tượng chụp bằng đèn flash, đối tượng sẽ sáng hơn nhiều so với phông nền. Điều này khiến máy ảnh có thể điều chỉnh độ phơi sáng tùy theo độ sáng của đối tượng chụp và phông nền trở nên tối đi.
Lưu ý của nhiếp ảnh gia: bọ ngựa thường là đối tượng rất hợp tác vì chúng không di chuyển nhiều và cũng không nhảy quá xa. Chúng khá dễ đối phó và sẽ sẵn lòng đậu trên đầu một cây gậy cho đến khi chúng tìm thấy một bề mặt khác để bám lấy.
Mẹo: Cố gắng chuyển động chậm và ổn định để tránh làm chúng hoảng sợ trong quá trình chụp.
Tạo dáng chụp ảnh
Bọ ngựa trong tư thế phòng thủ
Canon EOS 7D, EF100mm f/2.8 Macro USM, f5, ISO 250, 1/60s, 100mm
Chụp ảnh côn trùng đang hoạt động hoặc ở các góc đẹp hơn thông qua vị trí đặt máy ảnh để bức ảnh thêm thu hút. Ví dụ, những chú bướm đang nghỉ ngơi, mở rộng cánh có thể nhìn thấy lớp trong của đôi cánh mà sẽ bị giấu đi khi chúng đóng cánh lại. Một ví dụ khác, bạn có thể chụp ảnh mặt bên của một con sâu bướm để phô diễn những hoa văn độc đáo của nó. Khi bị đánh động, những loài côn trùng săn mồi như bọ ngựa có thể chuyển sang tư thế phòng thủ, bạn có thể nắm bắt tư thế khá quyến rũ của chúng. Tuy nhiên, bạn không nên mang đến tai họa cho côn trùng chỉ vì một bức ảnh. Hãy luôn tôn trọng thiên nhiên!
Mẹo: Sử dụng hiệu ứng bokeh để làm mờ bất kỳ yếu tố không cần thiết nào ở phía nền đằng sau và lấy nét bằng tay để tập trung vào đối tượng chụp!
Chi tiết cận cảnh
Nhện thợ săn
Canon EOS 200D, EF-S60mm f/2.8 Macro USM, f10, ISO 200, 1/250s, 60mm
Phong cách chụp ảnh này không dành cho những người yếu tim, chủ yếu tập trung vào các kết cấu và chi tiết như sợi lông mịn mà gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi cố gắng chụp những bức ảnh chất lượng cao như thế này, bạn nên sử dụng kỹ thuật chụp chồng ảnh.
Với bức ảnh này, nhiếp ảnh gia đã phải chụp chồng tổng cộng 25 bức ảnh giống nhau để đảm bảo độ rõ nét tối đa. Mỗi bức ảnh trong số 25 bức ảnh tập trung vào một đoạn khác nhau của con nhện mà khi xếp chồng lên nhau sẽ tạo ra độ sâu trường ảnhliền mạch và giữ lại tất cả các chi tiết được tập trung trong mỗi khung hình. Xin lưu ý rằng bạn sẽ không thể làm được điều này chỉ với một khung hình ngay cả khi bạn sử dụng giá trị khẩu độ hẹp nhất của máy ảnh.
Một chút hung dữ
Ong bắp cày và sâu bướm
Canon EOS 5D Mark II, EF100mm f/2.8 Macro USM, f4.5, ISO 250, 1/60s, 100mm
Không cảnh tượng nào tốt hơn cảnh tượng loài săn mồi và con mồi để thể hiện khả năng săn mồi bẩm sinh của chúng. Khi bạn bắt gặp cảnh tượng hiếm gặp này (côn trùng có xu hướng kiếm ăn trong hòa bình, vì vậy chúng thường tìm một nơi yên tĩnh và kín đáo để thưởng thức bữa ăn của mình), hãy nhớ tránh sử dụng đèn flash bất kể điều kiện ánh sáng kém thế nào. Đèn flash chỉ khiến đánh động cho kẻ săn mồi và có thể khiến nó mất đi bữa ăn khó kiếm được.
Bọ ngựa đang ăn con mồi
Canon EOS 7D, EF100mm f/2.8 Macro USM, f5, ISO 640, 1/60s, 100mm
Mẹo: Khi ở điều kiện ánh sáng yếu, hãy cố gắng đưa ánh sáng tự nhiên vào từ từ bằng cách xác định lại vị trí hoặc tỉa mỏng những chiếc lá đang cản ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, hãy xoay xở mọi cách có thể tốt nhất! Kiểm tra mặt dưới của những chiếc lá và bạn có thể thấy một con côn trùng đang thưởng thức bữa ăn của nó.
Mặc dù một số người cảm thấy lúng túng khi nhìn những bức ảnh chụp côn trùng, nhưng những người khác lại khen ngợi loại hình nhiếp ảnh này, coi đây là nền tảng để truyền bá cho mọi người về thế giới côn trùng hấp dẫn, bao gồm cả những tập tính của chúng và sự tiến hóa không ngừng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, bạn có dám thử không?