Những tấm ảnh đường phố hấp dẫn nhất mang lại một cách nhìn khác biệt đối với những vật hàng ngày. Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ một số ý tưởng để tạo ra những hình ảnh độc đáo từ những đối tượng dường như tầm thường.
EOS 5D Mark III/ EF16-35mm f/2.8L II USM/ FL: 24mm/ Aperture-priority AE (f/2,8, 1/125 giây, EV±0)/ ISO 10000/ WB: 5,700K
Ảnh của Kazuo Nakahara
Đôi khi, bạn tìm được những góc thú vị ở những nơi bất ngờ nhất. Tôi đang thư giãn trong một quán cà phê ngày nọ khi liếc nhìn chiếc điện thoại thông minh của tôi đặt trên bàn và nhận ra rằng nó đã trở thành một cái cửa sổ nhìn vào một thế giới hoàn toàn mới—hay nói đúng hơn là thế giới dưới nước của một cái bồn thủy sinh gần đó, được phản chiếu trên màn hình.
Ý tưởng 1: Tìm hình ảnh phản chiếu ở những đồ vật bất ngờ
Sự bố trí khéo léo tạo ra sự tò mò
Thật là cảm giác siêu thực khi nhìn một thế giới khác được phản chiếu trong một đồ vật hàng ngày bình thường. Tách cà phê kế bên chiếc điện thoại thông minh cũng xuất hiện trong hình ảnh phản chiếu, tạo ra một sự sắp xếp phi lý gây tò mò mà tôi chỉ phải chụp lại. Và tôi đã chụp, dùng góc rộng cho phép ghi lại phần lớn bồn thủy sinh.
Hoàn thiện ảnh
Để chụp được như thế này, điều quan trọng là phải:
1. Lấy nét trên hình ảnh phản chiếu. Sử dụng MF nếu bạn không thể lấy nét bằng AF. Nếu bạn lấy nét trên chiếc điện thoại thông minh, hình ảnh phản chiếu sẽ không được chụp chính xác.
2. Đóng băng chuyển động. Tôi chọn một tốc độ cửa trập có thể đóng băng chuyển động của con cá để tạo thành hiệu ứng siêu thực.
Ảnh không đạt: Hình ảnh phản chiếu “biến mất” khi bạn lấy nét vào thứ không chính xác
EOS 5D Mark III/ EF16-35mm f/2.8L II USM/ FL: 35mm/ Aperture-priority AE (f/2,8, 1/125 giây, EV±0)/ ISO 12800/ WB: 5,700K
Ảnh của Kazuo Nakahara
Khi tôi lấy nét trên toàn bộ chiếc điện thoại thông minh thay vì màn hình của nó, tôi không chụp được hình ảnh phản chiếu của bồn thủy sinh và cuối cùng có được tấm ảnh bình thường chụp những đồ vật trên bàn.
Ý tưởng 2: Bao gồm một khung hình phụ để có một điểm quan sát chủ quan
EOS 5D Mark III/ EF50mm f/1.2L USM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/2, 1/250 giây, EV+0,7)/ ISO 100/ WB: Auto
Ảnh của Ikuko Tsurumaki
Tôi chụp chiếc xe cổ này từ ghế hành khách phía trước của chiếc xe phía sau nó. Bằng cách lập khung hình bố cục để bao gồm các bộ phận của ca pô và khung cửa sổ của chiếc xe tôi đang ngồi, tôi tạo ra một điểm quan sát chủ quan.
Bạn có cảm thấy như bạn là người ngồi ở ghế trước hay không? Đây là tác dụng của điểm quan sát chủ quan: Nó mang lại cho người xem ảo giác là họ xuất hiện trong cảnh, không chỉ là quan sát cảnh đó. Lập khung hình theo cách này sẽ tạo ra sự hấp dẫn trực quan và gợi ra một câu chuyện, làm cho người xem phải tưởng tượng thêm.
Tại sao tôi chọn f/2
Với cảnh này, tôi chọn sử dụng khẩu độ khá rộng là f/2, lớn một stop tốc độ cửa trập so với khẩu độ tối đa. Điều này là vì:
– Tôi chụp từ một chiếc xe đang chạy và cần có một tốc độ cửa trập cao;
– Tôi muốn có được hiệu ứng bokeh tiền cảnh đẹp dùng ống kính 50mm; và
– Bằng cách làm cho khu vực xung quanh chiếc xe cổ (đúng nét) có vẻ mờ hơn, tôi có thể cô lập chiếc xe và làm cho nó nổi bật.
Hoàn thiện ảnh
Chụp khi di chuyển là việc khó vì có điều kiện không ngừng thay đổi. Với cảnh này, tôi muốn:
1. Tìm một góc máy ảnh làm cho chiếc xe cổ có vẻ hấp dẫn;
2. Đảm bảo rằng không có khoảng cách quá lớn giữa xe của tôi và chiếc xe cổ; và
3. Chụp đúng lúc, ở đó cảnh xung quanh bổ sung cho chiếc xe cổ màu xanh và làm cho nó nổi bật.
Tôi cũng đảm bảo rằng không có các yếu tố gây xao lãng trong hậu cảnh.
Ảnh không đạt: Không tạo ra khung hình phụ sẽ tạo ra một tấm ảnh tẻ nhạt
EOS 5D Mark III/ EF50mm f/1.2L USM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/1.4, 1/1000 giây, EV+0,7)/ ISO 100/ WB: Auto
Ảnh của Ikuko Tsurumaki
Ảnh này được chụp không có hiệu ứng khung hình phụ nhờ vào cửa sổ xe. Nó không cung cấp bối cảnh—bạn không thể biết cảnh này được chụp từ bên trong một chiếc xe khác. Không có cảm giác về một câu chuyện, và ảnh trở nên khá bình thường và kém hấp dẫn.