Chụp ảnh động vật trong sở thú có thể là một cách thực hành rất hay để chụp ảnh động vật hoang dã. Mặc dù có thể là không thú vị bằng chụp ảnh động vật trong môi trường hoang dã, nhưng nó cung cấp một môi trường có kiểm soát trong đó bạn có thể thực hành các kỹ thuật sử dụng ống kính tele và kỹ năng quan sát, nhất là đối với các loài động vật ngoại lai như sư tử và hổ. Tuy nhiên, hàng rào dây thép giúp bảo vệ an toàn cho chúng ta có thể gây xao lãng khi được chụp lại trong ảnh. Chúng ta hãy tìm hiểu cách làm cho chúng biến mất một cách thần kỳ.
EOS 5D Mark IV/ EF100-400mm f/4.5-5.6L IS II USM + Extender EF 1.4xIII/ FL: 560mm/ Shutter-priority AE (f/8, 1/250 giây, EV±0)/ ISO 2500/ WB: Auto
Ảnh của bạn không nhất thiết phải cho thấy “Tôi chụp ảnh này trong sở thú!”
Trừ khi là lý do nghệ thuật, có khả năng là bạn không muốn ảnh chụp động vật trong sở thú của mình gồm có các dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng chúng được chụp trong sở thú. Những dấu hiệu như thế gồm có lồng thép, hàng rào, tường và những vật thể nhân tạo khác.
Về lý thuyết, bạn sẽ có được tấm ảnh hoàn hảo bằng cách tìm ra một vị trí chụp che giấu những vật như thế, và sau đó chờ cho đến khi con vật đi vào vị trí hoàn hảo để chụp. Nhưng trên thực tế, bố cục và thiết kế của sở thú có thể không cho phép việc đó.
Thay vào đó, hầu hết các nhiếp ảnh gia sẽ làm như sau:
Các bước cơ bản để chụp ảnh qua lồng thép
1. Sử dụng một ống kính tele.
2. Cài đặt khẩu độ rộng.
3. Tiếp cận lồng/hàng rào càng gần càng tốt.
Miễn là con vật không đứng quá gần hàng rào dây thép, ống kính tele và khẩu lớn sẽ làm mất nét dây thép và làm cho chúng ít rõ nét hơn. Nếu dây thép đủ mỏng, nó có thể biến mất hoàn toàn.
Cách đó đã giúp cho ảnh của tôi được thành công
Tấm ảnh chính là chụp con báo tuyết ở Sở Thú Tama (Phiên bản tiếng Anh) tên là Mimi. Tôi muốn chụp nó để cho thấy nó đang rình mồi trong cỏ, như thể nó đang ở môi trường hoang dã.
Lập khung hình chặt chẽ
Để loại bỏ tất cả những vật thể nhân tạo ra khỏi khung hình, tôi lập bố cục thật chặt chẽ bằng cách sử dụng teleconverter gắn vào một ống kính siêu tele. Một ống kính dài hơn cũng có độ sâu trường ảnh nông hơn, giúp dễ làm mất nét và làm nhòe hàng rào dây thép hơn.
Đến càng gần hàng rào càng tốt
Việc này cũng giúp làm nhòe dây thép và được kết hợp hiệu quả nhất với điểm tiếp theo.
Đảm bảo con vật không đứng gần lồng thép
Nếu con vật đứng quá gần lồng thép mà bạn đang muốn chụp qua đó, sẽ khó chụp mà không có một phần dây thép nằm trong tiêu điểm. Hãy chờ con vật di chuyển ra xa.
3 điều cần lưu ý để có ảnh đẹp hơn nữa
Tùy vào điều kiện chụp của bạn, bạn có thể vẫn thấy một số dấu vết của lồng thép. Sau đây là một số chi tiết cần lưu ý khi chụp.
1. Bạn có được hiệu ứng đẹp nhất khi trời không có quá nhiều nắng
Không có nhiều nhiếp ảnh gia nhận ra điều này, nhưng ánh sáng phản chiếu từ lồng thép, chẳng hạn như trong ví dụ bên dưới, có thể làm cho khó làm chúng biến mất hoàn toàn. Vào ngày có nắng, có nhiều ánh sáng hơn, có nghĩa là có nhiều phản chiếu hơn. Tôi thấy “loại bỏ” dây thép dễ hơn khi trời ít ra là có mây một phần.
Thủ thuật: Ánh sáng khuếch tán vào một ngày có mây cũng làm cho lông thú trông mềm hơn trong ảnh.
2. Đường kính của kính lọc càng nhỏ, khả năng chụp phải hình ảnh phản chiếu càng thấp
Đường kính của kính lọc trên ống kính của bạn cung cấp giá trị xấp xỉ rất hữu ích về kích thước của thấu kính trước. Thấu kính trước của ống kính càng lớn, khả năng nó ghi lại ánh sáng phản chiếu từ lồng thép càng cao. Nếu đường kính kính lọc nhỏ hơn khoảng không giữa các dây thép, dây thép sẽ hoàn toàn không nhìn thấy được. Nếu nó có cùng kích thước hoặc lớn hơn, bất kỳ sự phản chiếu nào sẽ xuất hiện ở rìa ảnh, sẽ dễ xén bỏ.
Thủ thuật: Cá nhân tôi thấy dễ làm việc nhất với các ống kính có đường kính kính lọc không quá φ77mm.
3. Chọn hậu cảnh tối
Bạn có thể đã làm cho dây thép hàng rào biến mất thành công, nhưng những đường thẳng vẫn xuất hiện trong bokeh hậu cảnh và làm cho bokeh có vẻ lộn xộn. Chọn hậu cảnh tối để làm cho hình ảnh này ít rõ hơn.
—
Lưu ý: Các cuộc thi chụp ảnh trong sở thú và chụp ảnh động vật hoang dã/thiên nhiên
Chụp ảnh trong sở thú gây tranh cãi khá nhiều trong giới nhiếp ảnh. Một số nhiếp ảnh gia thấy rằng ảnh chụp động vật nuôi nhốt trong sở thú không bao giờ có thể cho thấy hết vẻ uy nghi của nó, và không xem đây là ảnh “động vật hoang dã” hay “tự nhiên”. Cũng có các quan ngại về đạo đức liên quan đến việc động vật nuôi nhốt bị đối xử thế nào, nhất là khi có quá nhiều “sở thú” trên thực tế là các nông trại chụp ảnh.
Trên thực tế, nhiều cuộc thi chụp ảnh động vật hoang dã không chấp nhận ảnh chụp động vật nuôi nhốt, bao gồm động vật trong sở thú. Số khác, chẳng hạn như National Geographic Photo Contest (Phiên bản tiếng Anh), không cấm ảnh chụp trong sở thú nhưng yêu cầu bạn phải cho biết chi tiết về địa điểm và cách thức chụp. Hãy luôn đọc kỹ các quy định của cuộc thi để tránh bị đánh rớt.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nộp ảnh chụp trong sở thú, hoặc thậm chí là ảnh dàn dựng động vật hoang dã, và nhận là chụp trong môi trường hoang dã, bị xem là gian lận. Các cuộc thi cũng muốn ảnh được chụp theo cách phù hợp đạo đức, có nghĩa là bạn không được gây ra tổn hại cho con vật hay làm cho nó phải chịu đau đớn để bạn có ảnh.