Có rất nhiều người mới chơi nhiếp ảnh thường bỏ qua khái niệm hoặc không biết đo sáng là gì. Đây cũng chính là lý do khiến cho mọi người rất ngại khi làm quen với chế độ Manual (M). Để đo sáng đúng cách và chuẩn chỉnh thì chúng ta sẽ đi từ các chế độ đo sáng trong máy ảnh.
Các chế độ đo sáng
Mỗi hãng sẽ có những kí hiệu về chế độ đo sáng khác nhau nhưng bản chất thì không thay đổi và được chia ra thành 3 kiểu đo sáng: Đo sáng toàn khung (Evaluative/Matrix Metering), Đo sáng điểm (Spot Metering), Đo sáng trung tâm (Center-Weighted Metering)
1. Đo sáng toàn khung (Evaluative/Matrix Metering)
Ở chế độ này máy sẽ chia khung hình ra làm nhiều khu vực và áp dụng thuật toán (thuật toán này sẽ tùy các hãng) để đo sáng cho toàn bộ khung hình. Phương thức này sẽ cho ra độ sáng trung bình giữa tất cả các chi tiết trong ảnh.
Thường thì máy sẽ nhận được ánh sáng chính xác như bạn muốn trong những trường hợp ánh sáng lý tưởng. Nhưng thình thoảng trong nhiều điều kiện đặc biệt khác nhau như các bạn chụp Low-key chẳng hạn có thể sẽ không có được sản phẩm đúng ý lắm.
– Hữu dụng: Đa số trường hợp đủ sáng, đặc biệt là chụp phong cảnh, các khung hình có ánh sáng không chênh quá nhiều, ánh sáng chan hòa
– Kém hiệu quả, không nên dùng: Chụp ngược sáng, bức ảnh cần nổi bật chủ thể
2. Đo sáng điểm (Spot Metering)
Đo sáng điểm là chế độ máy dùng thuật toán để đo sáng từ một điểm cố định trong khung hình. Với chế độ này sẽ có khoảng 3-5% khung hình được đo sáng tùy theo điểm lấy nét hoặc do bạn chọn. Chế độ này đặc biệt hữu ích với những bức ảnh chân dung bán thân hoặc khung hình có ánh sáng phức tạp và bạn chỉ muốn nổi bật chủ thể của mình.
– Hữu dụng: các trường hợp chụp ngược sáng, các khung hình có độ chênh sáng cao hoặc các trường hợp chụp đồ màu trắng dễ cháy sáng
– Kém hiệu quả, không nên dùng: các trường hợp có ánh sáng chan hòa, đơn giản
3. Đo sáng trung tâm (Center-Weighted Metering)
Đo sáng trung tâm như đúng tên gọi của nó là đo ánh sáng phần giữa khuôn hình và cân bằng ánh sáng trong bức ảnh. Chế độ này khác với Đo sáng toàn khung ở chỗ sẽ chỉ đo sáng phần trung tâm và bỏ qua các chi tiết vùng góc cạnh. Điều này cũng có lợi khi chúng ta chụp các chủ thể tĩnh nằm giữa khung hình.
– Hữu dụng: chụp chủ thể ở giữa và chiếm phần lớn khung hình
– Kém hiệu quả, không nên dùng: khi bạn muốn đặt chủ thể ra rìa ảnh để tạo bố cục đặc biệt.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn chụp được những tấm ảnh đẹp nhé!