Phơi sáng trong nhiếp ảnh được kiểm soát bởi 3 yếu tố: tốc độ màn trập, khẩu độ ống kính và giá trị ISO. “Stop” giúp bạn so sánh trực tiếp và thay đổi 3 yếu tố này để đạt được lượng ánh sáng phù hợp nhất cho bức ảnh của mình.
Trong nhiếp ảnh, 1 stop là là giá trị thể hiện khi tăng gấp đôi hoặc giảm một nửa số lượng ánh sáng đi vào khi chụp một bức ảnh. Hiểu nôm na thì, khi bạn nghe một nhiếp ảnh gia bảo hãy tăng thêm 1 stop cho bức hình của bạn, tức có nghĩa là nhiếp ảnh gia đó muốn tăng gấp đôi lượng ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh so với bức hình đã được chụp.
Tốc độ màn trập là khoảng thời gian màn trập mở ra khi thực hiện một bức hình. Thời gian mở màn trập càng dài, ánh sáng vào càng nhiều và độ phơi sáng sẽ càng mạnh. Chia đôi hay nhân đôi tốc độ màn trập sẽ có tác dụng tăng hay giảm 1 stop phơi sáng. Ví dụ như khi bạn thay đổi tốc độ màn trập từ 1/100s lên 1/200s, sẽ làm giảm đi một nửa lượng ánh sáng đi vào, như vậy chúng ta có thể nói là chúng ta đã giảm đi 1 stop ánh sáng.
Hầu hết các máy ảnh hiện nay đều cho chúng ta thay đổi tốc độ màn trập tương ứng với 1/3 stop, 3 lần xoay bánh xe mới là thay đổi 1 stop.
ISO được quy định và sử dụng các giá trị dựa trên thang ASA ( American standard speed numbers ) dành cho film, giá trị ISO càng cao thì độ nhạy của cảm biến càng cao. Giống như tốc độ màn trập, tăng gấp đôi giá trị ISO cũng tương ứng với tăng 1 stop phơi sáng, và giảm một nửa giá trị ISO là giảm đi 1 stop phơi sáng.
Ví dụ, tăng ISO từ 100 lên 200 tương ứng với tăng 1 stop. Giảm từ ISO 800 xuống 400 tương ứng với giảm 1 stop. Hầu hết các máy ảnh đều cho bạn thay đổi giá trị ISO tương ứng với 1 stop, có một số ngoại lệ như ISO 160 hay 320….
Khẩu độ là đường kính của cửa điều sáng tại vị trí ống kính của máy ảnh làm nhiệm vụ điều chỉnh lượng sáng khi chùm tia sáng đi vào cảm biến máy ảnh. Khẩu độ của ống kính càng lớn tức là trong một khoảng thời gian nhất định lượng ánh sáng mà cảm biến nhận được càng nhiều.
– Nếu tốc độ màn trập quá thấp, bức ảnh của bạn có thể bị mờ do bắt nét chủ thể chưa đủ nhanh hoặc tay bạn bị rung khi cầm các ống kính to nặng hay chụp trong tối.
– Khẩu độ lớn sẽ cho bức hình có độ sâu trường ảnh mỏng, điều này đôi khi làm cho bức hình bị mất nét ở vùng rìa ảnh khi chụp đám đông,…. Ngược lại, nếu khẩu độ quá nhỏ, bạn sẽ không thể nào nhận được một bức hình xóa phông như mong muốn.
– ISO càng cao, bức ảnh sẽ càng bị mất đi nhiều chi tiết, độ nét, và màu sắc do hình ảnh bị nhiễu hạt nặng.