Mọi người đều quan sát mọi thứ với góc nhìn khác nhau. Trong nhiếp ảnh cũng vậy, cảm giác mà đối tượng mang lại với mỗi người là khác nhau. Chúng tôi đã mời đến đây ba chuyên gia sáng tạo để chia sẻ về các quan điểm sáng tạo của riêng họ với nhiếp ảnh, đồng thời tìm hiểu nhiếp ảnh có thể kể chuyện như thế nào với mọi đối tượng, góc nhìn và phong cách. Nếu có bất kỳ phong cách nào khiến bạn cảm thấy thú vị, chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho bạn một số mẹo nhanh để giúp bạn bắt đầu – hãy đọc và tìm cảm hứng của riêng bạn!
Henry Lim, Người Viết Nội Dung Kỹ Thuật Số: Nhiếp Ảnh Ý Niệm
Với một nhiếp ảnh gia không chuyên như Henry Lim, chụp ảnh phong cảnh không có nghĩa là chờ đợi đúng thời điểm (không giống như nhiếp ảnh thể thao hay động vật hoang dã). Henry coi nhiếp ảnh là một quy trình dàn dựng, lên ý tưởng, triển khai ý tưởng và thử nghiệm nhiều lần để đạt được kết quả mong muốn.
EOS RP, RF35mm f/1.8 Macro IS STM, f/4.5, ISO 100, 1/200sec, 35mm
EOS RP, RF24-105mm f/4 L IS USM, f/4.5, ISO 3200, 1/60sec, 29mm
EOS RP, RF24-105mm f/4 L IS USM, f/4.0, ISO 6400, 1/800s, 29mm
Mỗi bức ảnh trong số 3 bức ảnh sau đây được lấy từ một ý tưởng khác nhau, có câu chuyện riêng và được tiến hành chụp độc lập:
- Sử dụng hình dạng và họa tiết độc đáo của chiếc lá để hé lộ cũng như ẩn giấu các phần trên khuôn mặt của con người.
- Cây trồng tại nhà đã được sử dụng để tạo ra một bức ảnh kỳ lạ, thể hiện sự biến hóa.
- Các đặc điểm khuôn mặt bị biến dạng do được chụp bằng cách sử dụng nước và những chiếc cố thủy tinh đơn giản
Nếu phong cách nhiếp ảnh ý niệm này khiến bạn cảm thấy bị hấp dẫn, sau đây là một vài lưu ý để bạn có thể bắt đầu:
- Hãy bắt đầu bằng cách lên ý tưởng và tạo ra bảng tâm trạng hoặc sơ đồ tư duy. Thông điệp mà bạn muốn đưa ra là gì và có thử nghiệm quan trọng nào mà bạn muốn thử trong buổi chụp hình không? Đó là sự biến dạng do sự khúc xạ ánh sáng qua những ly nước hay bạn muốn tập trung vào tâm trạng tổng thể của bức ảnh?
- Hãy lựa chọn đối tượng mà bạn yêu thích. Nếu đầu người là tiêu điểm chính của bạn, hãy nghiên cứu và tìm cách thử nghiệm đối tượng theo các ý tưởng về ý niệm của mình. Bạn có thể tăng cường khía cạnh cảm xúc cho đối tượng mà bạn chọn như thế nào?
- Xác định các yếu tố mà bạn muốn trong bức ảnh của mình. Những yếu tố đó là gì, không gian ngoài trời, ánh sáng kịch tính hay phơi sáng yếu? Bạn có cần đạo cụ hay biểu tượng để thể hiện ý tưởng không?
Seah Yun Ting, Đạo Diễn Nghệ Thuật: Nhiếp Ảnh Tài Liệu
Đạo diễn nghệ thuật, Seah Yun Ting, đã rong ruổi trên những con đường để ghi lại niềm đam mê của mình với sự tương tác giữa con người với con người. Trong sê-ri ảnh nhỏ này, cô khám phá một khu chợ đồ tươi sống để ghi lại các tương tác và hoạt động hàng ngày giữa những chủ quầy hàng, khách hàng và sản phẩm. Cô mô tả phong cách của mình là nhiếp ảnh tài liệu, nhưng cô không lựa chọn phương án màu đen-trắng thông thường, cô tin rằng việc giữ lại những màu sắc bình thường sẽ khiến những khoảnh khắc đó càng trở nên quý giá.
Vì nhiếp ảnh tài liệu được sử dụng để bảo tồn những khoảnh khắc quý giá trong lịch sử, Yun Ting giải thích rằng lý do cô chụp ảnh khu chợ bán đồ tươi sống là vì hoạt động thương mại ở Singapore đang giảm dần.
EOS RP, RF35mm f/1.8 Macro IS STM, f/2.8, ISO 400, 1/85sec, 35mm
EOS RP, RF35mm f/1.8 Macro IS STM, f/2.8, ISO 500, 1/500sec, 35mm
EOS RP, RF35mm f/1.8 Macro IS STM, f/3.2, ISO 800, 1/125sec, 35mm
Mặc dù không có một quy trình tiêu chuẩn nào để tuân theo khi chụp ảnh tài liệu, sau đây là một vài quy tắc bạn nên ghi nhớ khi mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này:
- Nếu bạn chụp ảnh tài liệu về đối tượng là con người, việc phát triển các kỹ năng con người sẽ có ích hơn là các kỹ năng kỹ thuật. Hãy tiến lại gần và trò chuyện. Hãy nhớ, đối tượng của bạn sẽ chỉ thoải mái và tự nhiên nhất trước ống kính khi họ thoải mái với bạn.
- Truyền tải thông điệp. Bạn muốn lưu giữ tài liệu gì? Quan điểm của bạn trong những bức ảnh này là gì? Có phải chúng đang mô tả cảnh nói về một vấn đề xã hội cụ thể không, hay bạn đang muốn đề cập đến một cộng đồng ít được chú ý hơn trong xã hội?
- Nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu. Tìm hiểu xem đối tượng của bạn sống ở đâu, hành vi của họ, chủ đề nói chuyện và nhiều điều khác. Những điều này sẽ giúp chuẩn bị khi bạn muốn trao đổi với đối tượng của mình!
- Đến thăm địa điểm trước khi chụp hình thực sự, làm quen với môi trường xung quanh và con người để có những khoảnh khắc trung thực hơn và có thể là với quan điểm độc đáo hơn.
Rhonda Wong, Nhà Thiết Kế Đồ Họa: Nhiếp Ảnh Gia Tối Giản
Sự đơn giản là điều mà Rhonda muốn thể hiện thông qua ống kính máy ảnh của mình. Nhiếp ảnh tối giản thường sử dụng không quá ba tổ hợp màu khác nhau, hạn chế những yếu tố không cần thiết và bảo đảm tổng thể bức ảnh sạch sẽ và khác biệt thông qua sự đơn giản – điều thường có thể được thực hiện thông qua cách bố cục đẹp, ánh sáng và sự hiểu biết về những màu sắc bổ sung.
Một thể loại nhiếp ảnh phổ biến ứng dụng sự tối giản này chính là nhiếp ảnh kiến trúc.
EOS RP, RF35mm f/1.8 Macro IS STM, f/3.5, ISO 100, 1/125sec, 35mm
EOS RP, RF35mm f/1.8 Macro IS STM, f/3.2, ISO 100, 1/800sec, 35mm
EOS RP, RF35mm f/1.8 Macro IS STM, f/4.5, ISO 100, 1/200sec, 35mm
Mặt khác, sau đây là một số mẹo nhanh để bạn bắt đầu:
- Tạo tiêu điểm bằng cách ứng dụng sự tương phản thật nhuần nhuyễn trong nhiếp ảnh tối giản. Ví dụ như sử dụng màu tương phản để khiến đối tượng trở nên nổi bật so với phông nền đơn sắc hoặc sử dụng những mẫu hình như hình tròn trong một bức ảnh toàn hình vuông.
- Sử dụng các kỹ thuật bố cục mạnh mẽ để tạo khung hình cho bức ảnh, ví dụ như sử dụng kỹ thuật khung hình trong khung hình (như trong hình ảnh trên) để hướng ánh mắt người nhìn vào đối tượng.
- Cách dễ nhất để bắt đầu đó là bắt đầu kết hợp nhiều không gian âm hơn trong bố cục của bạn. Đôi khi, ít hơn lại thể hiện nhiều hơn.
Việc luyện tập nhiều lần sẽ giúp kỹ năng của bạn dần trở nên hoàn hảo và cần mất nhiều thời gian cho đến khi bạn tìm thấy phong cách, đối tượng và lối đi riêng cho mình. Hãy thể nghiệm và xin lời khuyên để mài giũa kỹ năng sáng tạo và kỹ thuật của bạn trở nên thuần thục hơn nữa.