Tổng quát về ống kính 01 tiêu cự 85mm
Khi cầm trong tay ống kính 01 tiêu cự 85mm thì chúng ta có thể chụp được những gì?
Trong dịp trước tết Bính Thân 2016 tôi tranh thủ mấy ngày rảnh rong ruổi vài nơi chỉ với 01 ống kính 85mm để trải nghiệm và giải đáp câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình: với ống kính 01 tiêu cự 85mm thì có thể chụp được những gì?
Trước lúc thực hiện kế hoạch tôi có chút lo lắng với thắc mắc liệu trong suốt các chuyến đi, chụp đủ các thể loại thì liệu chỉ với 01 ống kính có thể đáp ứng được tất cả hay không? Và bây giờ, xin mời các bạn cùng đánh giá kết quả qua những tấm ảnh dưới đây, hy vọng chúng giúp cho các bạn 1 cái nhìn tổng quát về việc sử dụng ống kính tiêu cự 85mm, tất nhiên là kết quả không thể toàn diện bởi vì việc thực hiện xuất phát từ mục đích vui là chính, từ những hoàn cảnh thực tế không có tính phổ quát và hoàn toàn cá nhân, tôi chỉ hy vọng bài này giúp được ít nhiều cho những học trò của tôi, những người học chụp hình để giải trí và những người học chụp ảnh chân dung để theo nghề chụp ảnh cưới.
Ống kính tiêu cự 85mm và ảnh chân dung
Khi nói đến ống kính 01 tiêu cự 85mm mọi người sẽ nghĩ đến thế mạnh của tiêu cự này là chụp chân dung, điều này không hề sai bởi vì trong tiêu cự này thường là ống kính có khẩu độ mở lớn (1.2 – 1.4 hoặc 1.8 ) và với những khẩu độ mở lớn chúng ta có thể sử dụng hiệu ứng chủ đạo trong chụp ảnh chân dung, đó là hiệu ứng “rõ/mờ”.
Với hiệu ứng rõ/mờ và việc sử dụng khẩu độ phù hợp để chủ đề chỉ vừa đủ rõ chi tiết người chụp mong muốn vd: chỉ rõ 1 con mắt, chỉ rõ khuôn mặt hoặc chỉ rõ từ đầu mũi cho đến tóc phía sau của người mẫu v.v…và tất cả phần còn lại của ảnh bị xoá mờ, khi sử dụng hiệu ứng này người chụp thường mong muốn hậu cảnh bị xoá mờ thật nhiều để chủ đề được nổi nhất, tuy nhiên chúng ta không thể sử dụng khẩu độ mở lớn nhất cho mọi trường hợp bởi vì ngoài việc xoá phông thì việc diễn tả chủ đề mới là quyết định thành công cho tấm ảnh.
Đầu tiên, khi áp dụng hiệu ứng rõ/mờ ai cũng muốn hình có “bokeh” thật lung linh, tấm ảnh dưới đây được chụp với khẩu độ 1.8, ở khẩu độ này quả thật bokeh rất hấp dẫn, nhất là chụp với ánh đèn làm background.
Khi chụp theo “mô-típ” chủ đề phụ mờ nhoè như ảnh dưới đây, khẩu độ cần có trị số phù hợp, nếu mở lớn thì chủ đề phụ sẽ quá nhoè, đến mức không còn nhận ra chủ đề phụ nữa, trị số khẩu độ trong khoảng 3.5 – 5.6 là thích hợp, tấm ảnh dưới đây sử dụng khẩu độ 3.5.
Khi chụp với ánh sáng ngược và mặt trời xuống rất thấp chúng ta sẽ có được hiệu ứng “halo”, tức là máy ảnh bị ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào ống kính làm 01 phần ảnh bị phủ 01 lớp mờ như hình dưới và hình trên, đây là lý do tôi luôn sử dụng loa che nắng cho ống kính để tránh bị “halo” không chủ động.
Việc kiểm soát “halo” cũng là 01 yếu tố thú vị trong chụp ảnh chân dung, chúng ta chỉ cần thay đổi chút ít vị trí đứng là kiểm soát được “halo” nhiều hay ít, điều này làm cho ảnh cũng thể hiện khác đi đáng kể.
Ở khẩu độ 3.5 và với khoảng cách khác nhau, ống kính 85mm cho vùng ảnh rõ khác nhau, trong ảnh dưới nếu trong trường hợp chúng ta cần diễn tả tóc bay trong gió thì là thảm hoạ vì tóc sẽ bị mờ nhoè, may thay trong ảnh này chủ đề tập trung vào khuôn mặt và vùng ảnh rõ thể hiện vừa đủ.
Cũng với khẩu độ 3.5 với khoảng cách chụp xa hơn ảnh trên chúng ta có vùng ảnh rõ đủ nguyên người và hiệu ứng rõ mờ vẫn thể hiện tốt nhờ vào background đủ xa.
Với khẩu độ mở lớn hơn 3.5 và hướng sáng ngược, chúng ta dễ dàng có bokeh bung thành những vòng tròn to, đẹp, tuy nhiên để có thể sử dụng khẩu độ mở lớn đòi hỏi kỹ năng lấy nét, hiểu được khả năng thiết bị thật vững để chúng ta có vị trí đúng nét mong muốn. Tấm ảnh dưới được chụp với khẩu độ 1.6
Cũng khẩu độ 1.6 kết hợp với góc máy thấp chúng ta tạo cảm giác khác lạ cho tấm ảnh vì lúc này chủ đề nổi bật giữa bối cảnh thật mờ cả trước và sau chủ đề.
Khi chụp 02 người nếu vẫn sử dụng khẩu độ mở từ 3.5 đến lớn hơn thì chủ đề khó có thể rõ hoàn toàn, thường chỉ rõ 01 người, người kia bị mờ, nhất là nếu 02 người được sắp xếp có khoảng cách khác nhau so với máy ảnh, tấm ảnh dưới được chụp với khẩu độ 3.5, người phía sau không được rõ bằng người phía trước, khẩu độ an toàn cho trường hợp này là khoảng từ 5.6 đến 8.0.
Ống kính 01 tiêu cự 85mm và ảnh phong cảnh
Ngoài việc có thể xoá nhoè hậu cảnh rất mạnh, ống kính này còn có thế mạnh trong việc chụp ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt đời thường (ảnh street life) do ở tiêu cự 85mm ống kính cho góc nhìn gần giống như mắt chúng ta nhìn cảnh vật chung quanh, nó giúp chúng ta dễ tập trung vào chủ đề, không bị chụp lan man dẫn đến ảnh bị loãng.
Trong thể loại ảnh phong cảnh, với khoảng cách phù hợp chúng ta có thể sử dụng khẩu độ 4.5 là có thể chụp rõ nét toàn bộ các đối tượng có mặt ở trong khung ảnh và với tiêu cự 85mm chúng ta có thể tả được hầu hết các cảnh đẹp mà chúng ta bắt gặp. Tiêu cự này giúp chúng ta diễn tả cảnh vật đúng như chúng ta thấy bên ngoài, nó không làm biến dạng đối tượng, do đó thích hợp với những người bắt đầu đến với nhiếp ảnh và cũng do không làm biến dạng nên ảnh phong cảnh chụp từ ống kính 85mm không gây ấn tượng mạnh mẽ, độc, lạ như ống kính góc rộng, thích hợp những cảnh bình dị, êm ả, nhẹ nhàng.
Thông thường việc sử dụng khẩu độ 5.6 hoặc 8.0 trong ảnh phong cảnh sẽ an toàn hơn, chỉ cần chúng ta không chọn tiền cảnh quá gần, hoặc không có tiền cảnh như những ảnh dưới đây.
Kết luận
Với nhiều lợi thế, ống kính này chụp được hầu hết các thể loại nhiếp ảnh, đáp ứng được nhu cầu đa dạng, đặc biệt phát huy tốt ở địa thế rộng rãi, áp dụng được nhiều thủ pháp thể hiện.
Ống kính này về hiệu ứng hình ảnh gần như trái ngược với ống kính góc rộng nên trong địa thế chật hẹp ống kính này gần như bó tay hoặc hoàn toàn bó tay, tuy nhiên xét về hiệu quả thì ống kính tiêu cự 85mm nói riêng và các ống kính có tiêu cự trung bình nói chung là có hiệu quả cao nhất vì tính đa dụng với chi phí thấp.
Để có thể phát huy thế mạnh của thiết bị đòi hỏi chúng ta phải trải nghiệm, rèn luyện các kỹ năng nhiếp ảnh thật thuần thục để có thể đạt được những tấm ảnh như mong muốn cả về nội dung lẫn kỹ thuật.