Công Viên Khỉ Jigokudani ở Quận Nagano, Nhật Bản, nổi tiếng về khỉ tuyết hoang (khỉ macaque Nhật Bản), chúng tình cờ rất thích tắm suối nước nóng trong công viên, nhất là vào mùa đông. Khỉ cũng là một đối tượng yêu thích của nhiếp ảnh gia chụp động vật hoang dã, Yukihiro Fukuda. Ở đây, ông chia sẻ cách ông chụp được “sự ấm áp” trong ảnh gợi tưởng này với những con khỉ thư giãn trong suối nước nóng.
Mặc dù điểm quan tâm chính của tôi trong ảnh này là nét mặt của khỉ mẹ và bầy khỉ con, nhưng tôi cũng muốn thể hiện rằng có nhiều con khỉ khác đang ngâm mình trong suối nước nóng, do đó có góc xem như thế. Tôi làm cho ảnh này thiếu sáng một chút để chuyển tải cái lạnh lẽo của mùa đông. Người xem có thể tưởng tượng ngược lại, suối nước nóng phải thoải mái thế nào!
1. Sử dụng hiệu quả hơi nước
Nếu có một tấm ảnh mà hầu như mọi nhiếp ảnh gia tại Jigokudani đều cố gắng có được, thì đó là ảnh chụp những con khỉ đang ngâm mình tắm trong tuyết rơi. Nhưng bạn không phải lúc nào cũng gặp cảnh tuyết rơi đẹp, vậy thì chuyển sự chú ý sang cái nóng của nước suối thì sao? Nếu bạn sử dụng hơi nước một cách hiệu quả, bạn sẽ có thể có được một tấm ảnh chuyển tải không khí trong suối nước nóng.
Thủ thuật: Chụp theo chiều gió
Bạn chụp hơi nước hiệu quả ở mức nào phụ thuộc vào việc bạn đoán được chiều gió chính xác thế nào. Hơi nước trông ấn tượng nhất khi theo chiều gió.
Thận trọng!: Hơi nước có thể quá nhiều đến mức bạn không thể nhìn thấy gì. Nó cũng sẽ làm mờ ống kính của bạn. Hãy lưu ý điều này. Bạn nên chuẩn bị sẵn một tấm vải sợi nhỏ để bạn có thể lau ống kính nếu cần.
Không có hơi nước
Có hơi nước
2. Chụp bằng một khẩu độ rất rộng sao cho chỉ có những con khỉ chính được sắc nét
Vì Công Viên Khỉ Jigokudani Monkey mang lại khá nhiều sự tự do để di chuyển ở nơi bạn muốn, tôi thích sử dụng một ống kính một tiêu cự nhanh thay vì ống kính zoom. Điều này cho phép bạn làm nhòe mọi thứ không phải những con khỉ là đối tượng chính của bạn thành hiệu ứng bokeh mờ mịn, đẹp, dẫn đến ảnh có ấn tượng lớn hơn. Tôi chụp tấm chính ở f/1.6 bằng ống kính EF50mm f/1.4 USM, đây là ống kính tôi chọn để chụp khỉ tuyết.
Thủ thuật: Tắt chức năng chỉnh quang sai thấu kính
Hay cụ thể hơn là, tắt tính năng chỉnh sáng ngoại biên. Chức năng này chỉnh hiệu ứng tối góc, nhưng với ảnh này, tôi muốn để nguyên hiệu ứng tối góc để làm nổi bật cảm giác lạnh lẽo.
f/11
Ví dụ này được chụp ở tầm mắt dùng một khẩu độ hẹp trên một ống kính zoom. Nó trông khá khác biệt với ảnh chính, đúng không? Hầu hết những ai đến Jigokudani cũng sẽ chụp như thế này.
3. Góc thấp làm tăng cả hiệu ứng bokeh và hơi nước
Tôi nằm sấp kế bên suối nước nóng đến mức máy ảnh trên thực tế nằm trong hơi nước. Nếu có quá nhiều hơi nước, bạn sẽ không thể nhìn thấy nhiều. Ở đây, tôi để ý chuyển động của hơi nước và chụp vào lúc nó trông đẹp nhất.
Lưu ý: Nếu máy ảnh của bạn có màn hình có thể thay đổi góc, bạn sẽ có thể chụp ảnh ở góc thấp mà không phải nằm xuống đất.
Nắm thông tin này: Phơi sáng sẽ liên tục thay đổi do hơi nước
Bạn có thể không bao giờ đoán được sẽ có bao nhiêu hơi nước, và nó có thể thay đổi ngay cả khi bạn chụp. Khi có nhiều hơi nước, máy ảnh của bạn sẽ bị “đánh lừa” làm thiếu sáng ảnh nếu bạn sử dụng chế độ bán tự động. Hãy sử dụng chế độ phơi sáng thủ công để kiểm soát hiệu quả hơn, và phơi sáng dựa trên bầy khỉ.
4. Mặc quần áo và mang giày thích hợp
Vào mùa đông (tháng 12 đến tháng 3), khu vực công viên có lượng tuyết lớn. Những con đường dẫn đến và bên trong công viên không chỉ rất trơn trượt do tuyết dày và băng, mà nước chảy hoặc bắn lên mặt đất từ suối nước nóng cũng biến tuyết thành bùn, điều này cũng có thể làm cho bạn khó tìm được chỗ đặt chân thích hợp. Mang giày thích hợp và cẩn thận bước chân.
Bạn có thể thấy rằng việc có được tấm ảnh lý tưởng đòi hỏi phải đến gần hoặc thậm chí nằm xuống mặt đất, do đó hãy mặc quần áo mà bạn không ngại bị bẩn.
Thủ thuật: Cũng đừng quên bảo vệ máy ảnh của bạn!
Mang theo một tấm che mưa hoặc tấm plastic để che thiết bị của bạn tránh tuyết, mưa và hơi nước. Bạn cũng có thể muốn đặt các túi silica gel lớn vào túi máy ảnh để hấp thu hơi nước thừa.