Đã bao giờ bạn chụp một bức ảnh mà chủ thể thật đẹp, ánh sáng cũng rất tuyệt vời nhưng rồi khi về nhà mới biết là nó đã bị mờ? Có rất nhiều nguyên do cho vấn đề này, và sau đây là 8 mẹo nhỏ mà bạn có thể ghi nhớ để tránh tình trạng trên.
1. Hãy lau ống kính thật sạch
Dấu vân tay hoặc bụi bẩn trên ống kính có thể làm bức ảnh không nét, nên công việc đầu tiên ta cần làm là đảm bảo ống kính phải thật sạch trước khi sử dụng. Bạn có thể dùng bóng thổi để thổi những hạt bụi nhỏ, hoặc một miếng vải vi sợi (microfiber) để làm sạch kính. Ngoài ra khi không sử dụng ống kính, bạn nên đóng nắp trước khi cho vào túi.
2. Điều chỉnh đúng khẩu độ (f stops)
Rất nhiều người mới chụp ảnh thường có thói quen sử dụng khẩu độ lớn nhất mà ống kính cho phép. Nhưng thường thì ống kính sẽ không sắc nét nhất khi chụp ở những khẩu độ lớn như f1.4, f1.8 mà ở những khẩu độ như f4, f5.6 và f8.
Hiện tượng này xảy ra do ánh sáng đi theo đường thẳng, gặp những thấu kính lồi lõm sẽ bị ‘bẻ cong’ trước khi tới cảm biến. Khi ánh sáng phải đi qua toàn bộ ống kính lúc mở khẩu độ lớn, ánh sáng sẽ bị cong nhiều hơn, sẽ dễ xảy ra hiện tượng viền tím, viền xanh, và mất độ nét ở các góc ảnh. Ta sẽ gặp hiện tượng này nhiều hơn ở các ống kính tầm thấp hoặc trung, nhưng nhìn chung các ống kính đều nét nhất khi ta đóng khẩu độ 2 tới 3 bước.
Tuy vậy không phải khẩu độ càng nhỏ thì sẽ cho ảnh càng sắc nét. Khi sử dụng những khẩu độ rất nhỏ như f16 hoặc f22, ánh sáng sẽ gặp hiện tượng nhiễu xạ, và hình ảnh sẽ lại trở nên mờ. Ngoài việc lựa chọn khẩu độ để có trường ảnh phù hợp với đối tượng chụp, người dùng cũng phải ghi nhớ về các hiện tượng vật lí này.
3. Kiểm tra chất lượng quang học ống kính
Chất lượng quang học của ống kính rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng ảnh ra cuối cùng. Theo nhiều người, một ống kính chất lượng quan trọng hơn cả một chiếc máy ảnh có nhiều ‘chấm’, có những tính năng đặc biệt.
Hãy để dành tiền để đầu tư một ống kính chất lượng cao (có khẩu độ lớn hơn f2.8). Hãy xem xét việc chuyển từ sử dụng ống kính zoom sang ống kính prime (không đổi được tiêu cự). Những ống kính loại này thường có cấu trúc đơn giản, nên đa phần có khẩu độ lớn và chất lượng quang học tốt hơn ống kính zoom.
4. Xem xét điều kiện thời tiết
Tin hay không tùy bạn, nhưng điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng không hề nhỏ tới chất lượng của ảnh chụp, nhất là ở những bức ảnh chụp từ xa. Hơi nước từ đất bốc lên, hay những hạt bụi li ti trong không khí hoàn toàn có thể làm bức ảnh của bạn trên nên mờ ảo.
Thời điểm đẹp nhất trong ngày để chụp ảnh đó là ngay sau mưa, khi mà không khí mát mẻ, và nước mưa đã rửa trôi các bụi bẩn nhỏ. Nếu như thời tiết quá xấu, bạn còn có thể chụp ảnh trong nhà, hoặc những nơi có mái che và không khí sạch sẽ.
5. Điều chỉnh độ sâu trường ảnh (Depth of field)
Độ sâu trường ảnh (Depth of field) là vùng ảnh nét của 1 bức ảnh, bị chi phối bởi tiêu cự, khẩu độ, độ lớn cảm biến và khoảng cách từ người chụp đến vật. Nếu như chủ thể bạn đang chụp bị mờ, hãy sử dụng ống kính có tiêu cự ngắn hơn, sử dụng khẩu độ nhỏ hơn hoặc lùi lại phía sau để toàn bộ chủ thể nằm ở trường ảnh.
Hãy nhớ rằng, trường ảnh sẽ nằm 1/3 trước điểm lấy nét, và 2/3 sau điểm lấy nét, chứ không chia đều 50/50. Ví dụ như bạn chụp một nhóm người, hãy chia nhóm đó ra làm 3 phần và đặt điểm lấy nét theo đúng tỉ lệ 1/3 trước, 2/3 sau để có bức ảnh nét nhất. Khi lấy nét để chụp 1 người, hãy lấy nét vào mắt của chủ thể, thì khoảng cách từ mũi tới tai người được chụp cũng sẽ nằm trong vùng nét.
6. Lựa chọn lấy nét bằng tay thay cho lấy nét tự động
Các máy ảnh hiện nay đều có hệ thống lấy nét tiên tiến, nhưng đôi lúc máy móc không thể thay thế được cho con người. Nếu như trong điều kiện ánh sáng yếu, hoặc có quá nhiều vật làm hệ thống lấy nét của máy bị ‘rối’ thì bạn nên chuyển sang lấy nét bằng tay (Manual focus). Bạn cũng có thể zoom ảnh lớn, hoặc dùng dùng tính năng Peaking (hiện chấm đỏ cho vùng nét) để lấy nét bằng tay dễ dàng hơn.
7. Chọn đúng tốc độ chụp (Shutter speed)
Một lí do nữa mà bức ảnh của bạn không nét đó là vì tốc độ chụp (shutter speed) quá chậm, nên ảnh sẽ có những rung lắc từ tay. Chính vì vậy, việc chọn đúng tốc độ chụp cho từng thể loại nhiếp ảnh là cần thiết. Nếu như chụp những vật di chuyển nhanh như trẻ em, động vật hoang dã, xe ô tô thì phải có tốc độ chụp nhanh, để bắt được chuyển động. Còn nếu như chủ thể tĩnh, đứng im thì ta có thể dùng chân máy và chọn tốc độ chậm hơn.
Đừng ngại tăng ISO (độ nhạy sáng của máy) để có tốc độ chụp phù hợp. Vẫn biết rằng tăng ISO sẽ làm bức ảnh có nhiều nhiễu (noise) hơn, nhưng những bức ảnh nhiễu vẫn sẽ có giá trị nếu như ta chụp được một cảnh đẹp. Còn những bức ảnh mờ do rung tay, hay không bắt dính được khoảnh khắc thì chỉ có nước bấm “Delete” mà thôi.
8. Làm nét bằng phần mềm hậu kì
Khi một bức ảnh được chụp, máy ảnh sẽ tự động làm nét ảnh, nhưng đôi lúc như vậy là chưa đủ. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng các phần mềm hậu kì, và thêm nét (Sharpening) cho một bức ảnh. Hãy nhớ rằng, bước này chỉ áp dụng cho những bức ảnh đã làm đầy đủ các mẹo ở trên, chứ không thể sửa được những bức ảnh bị mờ, bị rung lắc. Hơn nữa, hãy điều chỉnh nét ở mức vừa phải, nếu làm ‘quá tay’ thì sẽ dẫn đến các hiện tượng lạ như nhiễu, đường viền (halo) làm bức ảnh tệ thêm chứ không đẹp hơn.
Lời kết
Để có một bức ảnh nét nhất có thể, người chụp phải học cho mình tính cầu toàn. Trước khi chụp, hãy nhẩm lại những mẹo ở trên xem mình đã làm đúng chưa, và rồi một ngày tất cả sẽ trở thành phản xạ, và bạn chụp ảnh nào ảnh đó sẽ nét. Hãy nhớ rằng: “Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo – Practice makes perfect”.