Vậy là bạn đã quyết định thực hiện bước quan trọng tiếp theo trong hành trình sáng tạo nội dung/làm phim của mình: không sử dụng chế độ Tự Động. Lựa chọn rất hay—bạn đang trên đường đạt tới khả năng kiểm soát sáng tạo hơn. Sau đây là hướng dẫn về một số thiết lập cơ bản cần kiểm tra và thay đổi trước khi bạn bắt đầu, ngay cả khi bạn có kinh nghiệm với thiết lập thủ công để chụp ảnh tĩnh. “Cảnh báo”: Video mở ra thêm tiềm năng trong một số thiết lập chụp ảnh tĩnh thường gặp!
1. Độ phân giải video: 4K hay Full HD?
Thiết lập độ phân giải video xác định độ phân giải pixel (kích thước) của video của bạn và mức độ chi tiết mà nó có thể hiển thị. Mặc dù máy ảnh của bạn có thể cung cấp các tùy chọn khác, nhưng lựa chọn thường xuyên nhất bạn phải thực hiện có thể là giữa 4K UHD (3840 x2160) và Full HD (1920 x 1080).
Những điểm cần cân nhắc khi quyết định độ phân giải video:
– Đoạn phim sẽ được sử dụng ở đâu và như thế nào?
– Bạn có muốn có khả năng linh hoạt hơn trong việc cắt xén và thu phóng cảnh quay không?
– Bạn để máy ảnh quay phim hay quay các đoạn clip ngắn?
– Các tài nguyên như dung lượng lưu trữ, sức mạnh xử lý, và băng thông dữ liệu.
4K:
– Có nhiều dữ liệu hơn, mang lại khả năng linh hoạt cao hơn trong quá trình xử lý hậu kỳ.
– Có kích thước tập tin lớn hơn.
Full HD (“1080p”):
– Đủ cho hầu hết các mục đích sử dụng, bao gồm phương tiện truyền thông xã hội.
– Có kích thước tập tin nhỏ hơn.
– Đòi hỏi ít tài nguyên hơn.
2. Tốc độ khung hình: Có bao nhiêu khung hình mỗi giây?
Nói chung, tốc độ khung hình cao hơn sẽ khắc họa chuyển động mượt mà hơn. Tốc độ khung hình phổ biến nhất là 24 fps, đây là tiêu chuẩn của ngành điện ảnh, và 30 fps. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào dự án. Ngoài tính thẩm mỹ, bạn cũng nên cân nhắc:
– Nền tảng cung cấp: Đối với các video dành cho phát sóng hoặc trình chiếu TV, khi đó điểm khác biệt giữa hệ thống PAL và NTSC (xem điểm 3) trở nên quan trọng. Thiết lập PAL/NTSC sẽ ảnh hưởng đến tốc độ khung hình khả dụng. Ngoài ra, một số thiết bị hoặc phần mềm phát lại có thể không hỗ trợ tốc độ khung hình cao hơn 30 fps.
– Cảnh quay của bạn sẽ được kết hợp với những cảnh quay khác như một phần của chuỗi lớn hơn không?: Nếu vậy, lý tưởng nhất là tất cả cảnh quay trong một chuỗi nên được quay với cùng tốc độ khung hình. Mặc dù tốc độ khung hình có thể được điều chỉnh trong quá trình xử lý hậu kỳ nhưng những thay đổi lớn sẽ mang lại kết quả không mượt mà.
Xem: 30 fps so với 60 fps
Cả hai video đều được quay với tốc độ màn trập 1/30 giây để giảm thiểu các yếu tố gây mất tập trung. Chiếc chong chóng dường như quay mượt mà hơn trong video 60 fps. (Lưu ý: Đối với video 60 fps, hãy đảm bảo chọn ”1080p60” hoặc “720p60” trong thiết lập video.)
Nắm thông tin này (1): Các tốc độ khung hình thường gặp
24 fps là tiêu chuẩn trong ngành điện ảnh. Nhiều nhà làm phim thấy rằng tốc độ này làm cho chuyển động trông tự nhiên hơn.
25 fps là tốc độ khung hình tiêu chuẩn của ngành phát thanh truyền hình dành cho các quốc gia sử dụng hệ thống PAL. Trường hợp này bao gồm nhiều quốc gia ở Châu Âu và Châu Á.
30 fps thường được sử dụng để phát sóng tin tức trực tiếp ở các quốc gia sử dụng hệ thống NTSC. Ngày nay, nó cũng thường được sử dụng cho video trực tuyến và streaming (phát trực tuyến).
50 fps hay 60 fps: Nếu bạn đang quay hành động nhanh như thể thao hoặc động vật hoang dã, sử dụng tốc độ khung hình cao hơn sẽ cho kết quả mượt mà hơn.
Thiết lập tốc độ khung hình, hiển thị bên cạnh kích thước ghi trên trình đơn “Movie recording size” (Kích thước ghi phim), cài đặt số lượng khung hình sẽ được ghi trong một giây (fps = frames per second – khung hình mỗi giây). “23.98P” chỉ 24 fps và “29.97P” chỉ 30 fps—các con số ày không phải là các con số tròn trịa vì lý do kỹ thuật.
Nắm thông tin này (2): Video chuyển động chậm
Bạn có thể quay ở một tốc độ khung hình cao hơn và xuất video với một tốc độ khung hình thấp hơn để có được hiệu ứng chuyển động chậm. Ví dụ, video 60 fps được chuyển đổi thành video 30 fps trong quá trình xử lý hậu kỳ sẽ cung cấp cho bạn chuyển động chậm bằng 1/2 tốc độ. Tuy nhiên, việc làm chậm cảnh quay được quay ở tốc độ 24/25/30 fps có thể cho kết quả không mượt mà, do đó hãy cẩn thận!
Hầu hết các mẫu máy ảnh mới hơn cũng sẽ có chế độ Tốc Độ Khung Hình Cao, trong đó bạn có thể quay video với tốc độ lên đến 180 fps. Cảnh quay được ghi ở dạng một tập tin video 30 hoặc 25 fps, dẫn đến video có tốc độ chậm bằng 1/6.
Nắm thông tin này: Vì chế độ Quay Phim Tốc Độ Khung Hình Cao yêu cầu nhiều pin hơn và có thời gian ghi tối đa ngắn hơn, nên hãy sử dụng nó một cách có chọn lọc!
3. PAL hay NTSC?
Nếu bạn không thấy các tùy chọn tốc độ khung hình bạn muốn, hãy kiểm tra thiết lập hệ thống video trong trình đơn màu vàng. Thiết lập “For NTSC” sẽ “mở khóa” tốc độ khung hình cao hơn. Trường hợp này giả định là bạn không quay video để phát sóng truyền hình hoặc phát lại trên máy chiếu!
Nắm thông tin này: Tôi đang ở một quốc gia sử dụng hệ thống PAL. Sử dụng thiết lập hệ thống NTSC có ổn không?
Thiết lập hệ thống video là nhằm đồng bộ tốc độ khung hình với các tần số phát sóng tín hiệu analogue khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Hệ thống PAL là dành cho các quốc gia có chuẩn nguồn điện 50Hz (nhiều quốc gia châu Á và châu Âu), và hệ thống NTSC dành cho các quốc gia sử dụng chuẩn nguồn điện 60Hz (Bắc Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia khác như Philippin). Nó ít liên quan hơn đối với truyền hình kỹ thuật số và nội dung trực tuyến. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết lập hệ thống phù hợp với quốc gia bạn đang ở có thể giúp bạn tránh hiện tượng nhấp nháy khi quay dưới ánh sáng nhân tạo.
4. Tốc Độ Cửa Trập
Video này cho thấy tốc độ màn trập ảnh hưởng như thế nào đến tính thẩm mỹ của video.
Trong video, tốc độ cửa trập của bạn bị hạn chế bởi tốc độ khung hình. Nguyên tắc chung về tốc độ cửa trập là gấp đôi tốc độ khung hình. Ví dụ, nếu tốc độ khung hình của bạn là 24 fps, bạn nên cài đặt tốc độ cửa trập ở 1/40 hoặc 1/50 giây (vì không có thiết lập “1/48 giây”).
Tất nhiên, nguyên tắc này không phải là cố định. Bạn có thể điều chỉnh tốc độ cửa trập để có được các kết quả khác nhau. Có 2 lý do để thay đổi tốc độ cửa trập:
i) Thẩm mỹ
Giống như chụp ảnh tĩnh, tốc độ cửa trập chậm hơn sẽ làm tăng hiện tượng nhòe chuyển động trong từng khung hình. Video bên trên cho thấy nó thay đổi chất lượng chuyển động như thế nào. Hãy sử dụng kiến thức này để đạt được kết quả bạn muốn!
Nhòe chuyển động nhiều hơn (tốc độ cửa trập chậm hơn bình thường) có thể làm cho các cảnh quay trông giống như trong mơ hoặc gợi ý sự mất phương hướng hoặc say rượu. Hình ảnh sắc nét hơn do tốc độ cửa trập cao có thể dẫn đến hành động nhanh trông nhanh và ấn tượng hơn. Nếu có thể, hãy thực hiện một số cảnh khác nhau ngoài tốc độ cửa trập “bình thường”—có thể bạn sẽ thích những kết quả đó hơn!
ii) Để tránh nhấp nháy và hiện tượng sọc banding
Bạn có thể thấy hiện tượng nhấp nháy hoặc banding nếu tốc độ cửa trập không khớp với tần số của một nguồn sáng nhân tạo. Nếu bạn quay trong một môi trường 50Hz như ở nhiều nước châu Á, một giải pháp khác bên cạnh thiết lập PAL/NTSC là chọn một tốc độ cửa trập là bội số hoặc phân số của 50 chẳng hạn như 1/100 hoặc 1/50 giây.
Thủ thuật chuyên nghiệp: Chỉ sử dụng tốc độ cửa trập để kiểm soát phơi sáng như là phương án cuối cùng
Trong video, vì tốc độ cửa trập phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ khung hình và có thể ảnh hưởng đến kết quả sáng tạo, nên nó bị giới hạn như một phương pháp kiểm soát phơi sáng. Sử dụng một kính lọc ND để quay vào ngày có nắng và các nguồn ánh sáng bên ngoài nếu bạn quay ở điều kiện thiếu sáng.
5. Cân bằng trắng
Việc cài đặt cân bằng trắng theo cách thủ công sẽ đảm bảo tính nhất quán tốt hơn trong và giữa các clip. Bạn không muốn nhiệt độ màu thay đổi ở giữa quá trình ghi vì điều đó có thể là khá rắc rối để sửa trong quá trình xử lý hậu kỳ!
Sử dụng một trong các thiết lập cân bằng trắng cài đặt sẵn của máy ảnh, cài đặt cân bằng trắng tùy chỉnh, hoặc điều chỉnh thiết lập nhiệt độ màu. Để có kết quả chính xác nhất khi quay, bạn thậm chí có thể muốn sử dụng một cái thẻ cân bằng trắng hoặc thẻ xám.
6. Khẩu độ
EOS R6 Mark II + RF50mm f/1.8 IS STM ở f/1.8
Giống như trong chụp ảnh tĩnh, khẩu độ lớn hơn (số f nhỏ hơn) mang lại độ sâu trường ảnh nông hơn (hiệu ứng lấy nét nông mạnh hơn). Các tùy chọn tốc độ cửa trập của bạn bị hạn chế so với chụp ảnh tĩnh, do đó hãy mang theo một kính lọc ND nếu bạn muốn tạo hiệu ứng lấy nét nông khi trời sáng.
7. Độ Nhạy Sáng ISO
Độ nhạy sáng ISO cao dẫn đến cảnh quay có nhiều hạt (“nhiễu”) xuất hiện rõ, giống như trong chụp ảnh tĩnh. Trừ phi đó là hiệu ứng bạn muốn, hãy giữ độ nhạy sáng ISO ở mức thấp nhất có thể. Cố gắng tránh phải điều chỉnh phơi sáng trong xử lý hậu kỳ vì nó có thể gây ra nhiều nhiễu hơn. Tận dụng tối đa ánh sáng sẵn có và đưa vào các nguồn sáng bổ sung khi cần thiết.
8. Các thiết lập khác cần kiểm tra
– Chế độ IS (Ổn Định Hình Ảnh) (trình đơn màu đỏ): Nếu bạn đang quay cầm tay, hãy đảm bảo Digital IS được bật để đảm bảo cảnh quay cầm tay ổn định hơn. Nếu ống kính của bạn có công tắc IS, hãy đảm bảo nó được cài đặt thành “ON”.
– Thiết lập ghi thẻ (trình đơn màu vàng): Đặc biệt là khi máy ảnh của bạn có khe cắm thẻ kép. Một số thẻ không hỗ trợ các kích thước quay video hoặc tốc độ khung hình nhất định. Máy ảnh của bạn có ghi video vào đúng thẻ—thẻ có tốc độ ghi cao hơn và dung lượng cao hơn không? Bạn định quay video và ảnh tĩnh vào cùng một thẻ hay vào các thẻ riêng biệt?
– Thiết lập Movie Servo AF (trình đơn màu đỏ hoặc trình đơn màu hồng trên các máy ảnh cao cấp): Nếu bạn đang sử dụng tính năng lấy nét tự động, tính năng phát hiện đối tượng có được bật không? Trên các máy ảnh cao cấp hơn, bạn cũng có thể thay đổi tốc độ Movie Servo AF và độ nhạy theo dõi, giúp kiểm soát nhiều hơn tốc độ chuyển tiếp tiêu điểm.
– Chỉnh Focus Breathing (trình đơn màu đỏ): Chỉnh những thay đổi gây mất tập trung trong thị trường có thể xảy ra khi tiêu điểm thay đổi.
– Dành cho người dùng nâng cao: Bạn đang có kế hoạch sản xuất phim? Bạn cũng có thể muốn bật tùy chọn Canon Log recording nếu bạn định thực hiện colour grading. Bạn cũng có thể ghi với một tốc độ lấy mẫu màu hoặc chiều sâu bit cao hơn.