Mây có thể thêm tính đặc sắc cho ảnh chụp núi non, nhưng để có được tấm ảnh hoàn hảo, bạn cần phải có tiêu điểm và bố cục phù hợp. Nhiếp ảnh gia chụp Núi Phú Sĩ, Makoto Hashimuki, chia sẻ với chúng ta về các tính năng của EOS R giúp ông chụp ảnh dễ dàng hơn trước đây.
Cảnh 1: Núi Phú Sĩ lúc bình minh
Khi tôi kiểm tra trình nạp tin web camera về Núi Phú Sĩ sáng sớm hôm đó, từ Hồ Yamanaka không nhìn thấy ngọn núi do có sương mù dày, có thể thấy từ trình nạp tin của các camera ở trên cao hơn. Điều này thường báo hiệu sự hình thành của những đám mây lớn có thể làm cho ngọn núi trông rất siêu thực và đẹp.
Vội vã xuống Đài Quan Sát Toàn Cảnh Hồ Yamanaka, tôi đến nơi vừa kịp lúc để chụp ảnh này với Núi Phú Sĩ xuyên qua mây lúc bình minh. Tôi thích cách độ tương phản sáng làm nổi bật các chi tiết trên bề mặt núi.
#1: Focus Guide
Bất kỳ khi nào tôi kết hợp một biển mây vào ảnh, tôi chuẩn bị sẵn sàng tất cả các thiết lập và chờ ghi lại những chi tiết đẹp nhất trong mây. Để tránh hiện tượng focus hunting khi chờ, tôi thường chuyển sang sử dụng lấy nét thủ công (MF).
Có thể khó lấy nét thủ công lúc mặt trời mọc, nhất là khi ngọn núi chỉ nhìn thấy mờ mờ xuyên qua mây. Nhưng tính năng Focus Guide trên EOS R giúp cho việc lấy nét được thực sự dễ dàng. Một khi tôi đã có được tiêu điểm ở nơi mình muốn, tất cả những gì tôi cần làm là chờ mây tụ lại.
Thủ thuật: Gán nút AF ON để bật Focus Guide
Tôi thường không sử dụng nút AF ON, do đó tôi gán nó để bật và tắt Focus Guide. Tôi thấy tính năng Focus Guide là rất có ích để lấy nét thủ công ở các cảnh tương đối sáng.
Nắm thông tin này: Tính năng Focus Guide cũng là cực kỳ hữu dụng đối với chụp ảnh macro, trong đó độ sâu trường ảnh cực nông thường dẫn đến cần phải lấy nét thủ công.
#2: Xử lý hậu kỳ ảnh RAW trong máy ảnh
Việc có thể xử lý hậu kỳ các tập tin RAW trong máy ảnh là rất tiện—bạn có thể thực hiện ngay tại chỗ! Với ảnh này, tôi tăng các tham số độ tương phản Picture Style. Việc này có hai tác dụng:
1)Các chi tiết sáng-tối trên bề mặt núi nổi bật hơn, thêm tính ba chiều cho ảnh.
2)Ngọn núi nổi bật hơn trên bầu trời mù sương.
Thủ thuật: Bạn cũng có thể điều chỉnh các tham số chi tiết của Picture Style khi chụp, và xem trước các hiệu ứng trong thời gian thực trên khung ngắm EVF hoặc trong Live View. Nhưng chỉ làm thế nếu thời gian cho phép: Bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội chụp vì bạn quá bận tâm thử nghiệm các thiết lập Picture Style khác nhau!
Picture Style (Standard) – Thiết lập mặc định
Picture Style (Standard) – Contrast +2
Thiết bị bổ sung: Sử dụng một kính lọc ND độ sáng theo vùng để cân bằng độ tương phản không đều
Hiện tượng biển mây có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn quanh thời điểm rạng sáng. Ở thời điểm này, vị trí của mặt trời dẫn đến hiện tượng mặc dù núi và bầu trời sẽ sáng, nhưng ánh sáng không chiếu tới mây và rừng, dẫn đến những chỗ tối mất chi tiết ở tiền cảnh.
Để cân bằng độ tương phản, tôi sử dụng kính lọc ND độ sáng theo vùng (GND), đặt phần tối hơn lên Núi Phú Sĩ để giảm độ sáng của phần đó của cảnh. Cách này cũng tăng cường sắc thu của cây cối ở tiền cảnh.
Có kính lọc GND
Không có kính lọc GND
Thủ thuật: Bạn có thể thấy các hiệu ứng của kính lọc GND trong EVF hoặc hình ảnh xem trước trong Live View, nó sẽ giúp bạn tinh chỉnh vị trí của kính lọc khi cần.
Cảnh 2: Núi Phú Sĩ vào ban đêm
EOS R/ EF70-200mm f/4L IS II USM/ FL: 200mm (hiệu dụng 360mm)/ Bulb exposure (f/7.1, 60 giây)/ ISO 400/ WB: Auto
Cảnh Núi Phú Sĩ vươn lên từ giữa đèn đường, cũng như chi tiết của các đám mây trong ảnh này, nhắc tôi nhớ đến một bức tranh mực truyền thống. Ảnh này được chụp với sự trợ giúp của tính năng focus peaking thủ công và chức năng crop 1,6x.
#3: Focus peaking
Giống như trong Cảnh 1, tôi sử dụng MF để tránh hiện tượng focus hunting khi tôi chờ hình dáng mây hoàn hảo. Ở địa điểm cách Núi Phú Sĩ khoảng 100km, có thể khó lấy nét thủ công phù hợp trừ khi là một ngày trời rất trong.
Với ảnh đêm, bạn cũng có thể sử dụng tính năng focus peaking, nhất là khi bạn không cần lấy nét ở một khu vực nhỏ, chính xác. Ở đây, tôi đã sử dụng nó để lấy nét đèn đường. Nếu đèn đường bị mây che, bạn có thể lấy nét ở những ngôi sao.
Thủ thuật: Nếu bạn không thấy focus peaking một cách thích hợp, hãy thay đổi màu peaking. Ở đây, tôi đã cài đặt nó thành xanh dương để cho nó xuất hiện rõ hơn trên nền mây có tông màu ấm và đèn đường.
#4: Chức năng crop 1,6x
1. Normal
2. Có chức năng crop 1,6x
Khi xem trước ảnh chụp, tôi thấy rằng nó sẽ có ấn tượng hơn nếu tôi crop phần bầu trời và tiền cảnh thừa. EOS R (và EOS RP) có chức năng crop 1,6x, hữu ích để đến gần hơn nữa khi bạn đã sử dụng độ dài tiêu cự dài nhất trên ống kính. Nó không chỉ tức thời mang lại cho bạn khả năng tiếp cận xa hơn, tôi thích cái cách mà nó cho phép tôi điều chỉnh bố cục ngay tại chỗ cho phù hợp với cảnh crop.
Tìm chức năng này ở đâu: Nhấn nút MENU > SHOOT1 menu > “Cropping/aspect ratio”.
Các tính năng có ích khác của máy ảnh
#5: Che màn trập
Khi tôi chụp Núi Phú Sĩ, tôi tìm cách ghi lại những biến thể và những chi tiết khác nhau. Điều này có nghĩa là tôi thường xuyên thay đổi giữa ống kính góc rộng và ống kính tele ở cùng vị trí chụp.
Trên EOS R, màn trập tự động hạ xuống khi tắt máy ảnh, giúp tránh bụi và các yếu tố khác đi vào cảm biến hình ảnh khi không gắn ống kính. Tính năng này là rất có ích đối với chụp ảnh ngoài trời—tôi an tâm rằng cảm biến hình ảnh được bảo vệ tránh tác động của môi trường.
#6: Màn hình cảm ứng có thể thay đổi góc
Màn hình có thể thay đổi góc có khớp hoàn chỉnh giúp loại bỏ nhu cầu phải có tư thế khó coi khi chụp ảnh ở vị trí thấp, chẳng hạn như ảnh có hình ảnh núi phản chiếu dưới nước.
Việc có thể vận hành máy ảnh bằng màn hình cảm ứng là rất tiện, nhất là khi chụp ở ngoài trời vào ban đêm.