Bố cục là nghệ thuật quyết định những gì cần đưa vào khung hình và cách trình bày chúng. Bên cạnh các khái niệm như lý thuyết màu sắc và các nguyên tắc như Quy Tắc Một Phần Ba, ống kính bạn chọn và cách bạn sử dụng nó cũng đóng một vai trò rất lớn trong tác động cuối cùng của ảnh của bạn. Sau đây là một số khái niệm quan trọng về ống kính để giúp bạn tận dụng tối đa các ống kính của mình, nắm vững nghệ thuật lập bố cục, và đưa kỹ năng nhiếp ảnh của bạn lên một tầm cao mới.
1. Độ dài tiêu cự ảnh hưởng đến góc xem như thế nào
Nếu bạn đã chụp ảnh được một thời gian, có lẽ bạn đã phần nào hiểu được độ dài tiêu cự được sử dụng ảnh hưởng đến góc xem như thế nào, có nghĩa là, bao nhiêu phần cảnh trước mặt bạn được ghi lại trên cảm biến hình ảnh của máy ảnh và được đưa vào ảnh.
Ví dụ, hãy xem các ảnh bên dưới, được chụp ở 24mm, 45mm, và 105mm từ cùng một điểm. Bạn nhận thấy điều gì về bao nhiêu phần được bao gồm? Còn về kích thước của các đối tượng, chẳng hạn như vòng đu quay, thì sao?
Độ dài tiêu cự càng ngắn (chẳng hạn như 24mm) mang lại góc xem càng rộng. Điều đó có nghĩa là nhiều cảnh hơn được ghi lại trong khung hình. Ví dụ, độ dài tiêu cự 24mm trên máy ảnh full-frame sẽ chụp được góc xem 84°. Các đối tượng sẽ xuất hiện nhỏ hơn trong khung hình.
Độ dài tiêu cự càng dài sẽ cho góc xem càng hẹp, có nghĩa là ghi lại một phần nhỏ hơn của cảnh. Ví dụ, độ dài tiêu cự 45mm trên máy ảnh full-frame bao phủ khoảng 51,4°, trong khi 105mm bao phủ khoảng 23,3°. Các đối tượng sẽ xuất hiện lớn hơn trong khung hình.
Độ dài tiêu cự ngắn hơn | Độ dài tiêu cự dài hơn | |
Góc xem | Rộng hơn | Hẹp hơn |
Kích thước của các đối tượng ở một khoảng cách nhất định | Nhỏ hơn | Lớn hơn |
Dĩ nhiên, khoảng cách của bạn với đối tượng cũng quan trọng. Khi bạn ở gần đối tượng hơn, bạn có thể lấp đầy nhiều khung hình hơn bằng đối tượng đó ngay cả với độ dài tiêu cự ngắn hơn.
Cũng vòng đu quay đó, được chụp ở khoảng 88mm. Nó có vẻ lớn hơn so với ví dụ 105mm trong hình GIF vì điểm chụp gần hơn.
Bạn có thể sử dụng kiến thức này để chọn ống kính phù hợp nhất để sử dụng cho cảnh bạn đang chụp. Bạn sẽ cách đối tượng bao xa? Bạn có bao nhiêu không gian để di chuyển? Bạn muốn bao gồm bao nhiêu bối cảnh xung quanh? Các điều kiện chụp cũng quan trọng như ý định của bạn. Nhiều người liên hệ chụp ảnh phong cảnh với ống kính góc rộng, nhưng một số cảnh tuyệt đẹp được chụp đẹp nhất bằng ống kính tele!
Nắm thông tin này: Độ dài tiêu cự không chỉ ảnh hưởng đến khung hình
Việc thay đổi độ dài tiêu cự cũng có thể ảnh hưởng đến các yếu tố hình ảnh khác, chẳng hạn như hiệu ứng bokeh và phối cảnh. Ví dụ, nếu bạn muốn một đối tượng xuất hiện lớn hơn trong khung hình khi sử dụng một độ dài tiêu cự ngắn, bạn thường sẽ chụp gần đối tượng hơn. Điều này mang lại kết quả hoàn toàn khác so với khi bạn phóng to đối tượng bằng cách sử dụng độ dài tiêu cự dài hơn. Nó có liên kết với các khái niệm khác trong bài viết này: hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm!
2. Kiểm soát độ sâu trường ảnh và hiệu ứng bokeh
Độ sâu trường ảnh đề cập đến vùng trong cảnh xuất hiện đúng nét trong ảnh.
Bokeh đề cập đến chất lượng thẩm mỹ của hiệu ứng mờ được tạo ra ở các phần bên ngoài vùng đúng nét này.
Lưu ý: Các ảnh bên trên chỉ nhằm mục đích minh họa. Nếu một cảnh rất sâu, ngay cả khẩu độ hẹp nhất cũng không thể lấy nét được mọi thứ!
Vị trí bạn đặt tiêu điểm và bao nhiêu phần trong ảnh được đúng nét là điều thiết yếu để kể chuyện. Trong một số trường hợp, bạn có thể muốn tạo hiệu ứng bokeh để đối tượng của bạn nổi bật hơn trên đó. Trong các tình huống khác, bạn sẽ muốn có thêm độ sâu trường ảnh (và ít hơn hoặc không có hiệu ứng bokeh) để phần nhiều đối tượng hơn được đúng nét hoặc để lộ nhiều chi tiết hậu cảnh hơn.
Mối quan hệ giữa độ sâu trường ảnh và khẩu độ
Hầu hết các nhiếp ảnh gia sẽ quen thuộc với mối quan hệ giữa hiệu ứng bokeh và khẩu độ:
– Số f nhỏ hơn (khẩu độ rộng hơn) = độ sâu trường ảnh nông hơn, hiệu ứng bokeh nhiều hơn
Ống kính của bạn càng “nhanh” (khẩu độ tối đa càng rộng), bạn càng có thể làm mờ hậu cảnh và tiền cảnh khi chụp từ cùng một vị trí ở cùng độ dài tiêu cự.
Thủ thuật chuyên nghiệp: Nắm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu ứng bokeh
Nếu điều kiện chụp cho phép, bạn có thể tận dụng các yếu tố khác để tối đa hóa hiệu ứng bokeh, ngay cả khi bạn không có ống kính nhanh! Sau đây là thông tin tóm tắt nhanh.
Độ dài tiêu cự
f/11 trên RF600mm f/11 IS STM
Độ dài tiêu cự dài hơn vốn đã tạo ra một độ sâu trường ảnh nông hơn, đó là lý do hậu cảnh ở đây trông cực kỳ mờ ngay cả ở f/11.
Khoảng cách giữa ống kính và đối tượng
16mm, f/8, xa đối tượng hơn, lấy nét ở bông hoa ở tiền cảnh
16mm, f/8, gần đối tượng hơn. Hãy để ý tòa nhà ở hậu cảnh trông mờ hơn như thế nào.
Thủ thuật: Để chụp ảnh này ở gần đối tượng trong khi đảm bảo nó đúng nét, bạn cần một ống kính có khoảng cách lấy nét gần nhất ngắn.
Đầu ống kính càng gần đối tượng, độ sâu trường ảnh càng nông (mỏng hơn). Đây là lý do tại sao có thể rất khó lấy nét đúng đối tượng trong khi chụp ảnh macro, nhất là ở thiết lập khẩu độ rộng nhất.
Khoảng cách từ hậu cảnh
Chụp bằng RF24-105mm f/4L IS USM ở 47mm, f/4. Các căn hộ ở hậu cảnh cách khoảng 700m.
Hậu cảnh càng xa đối tượng (mặt phẳng tiêu ) sẽ càng mất nét.
3. Mối quan hệ giữa ống kính và phối cảnh
Trong nhiếp ảnh, phối cảnh đề cập đến việc các vật thể có vẻ ở gần hay xa nhau ở mức nào.
Điều này có liên quan đến kích thước của các vật thể trong ảnh. Khi một cái gì đó trông lớn hơn, chúng ta có xu hướng cho rằng nó ở gần chúng ta hơn. Khi một cái gì đó trông nhỏ hơn, chúng ta có xu hướng cho rằng nó ở xa chúng ta hơn.
Độ dài tiêu cự ngắn sẽ phóng đại phối cảnh. Các vật thể ở gần ống kính trông lớn hơn bình thường, trong khi những vật thể ở xa hơn trông nhỏ hơn.
Trong khi đó, ở các độ dài tiêu cự dài hơn (chụp xa hơn), phối cảnh bị nén lại. Các vật thể ở xa được “kéo vào” và trông lớn hơn và gần hơn, làm cho ảnh trông phẳng hơn.
Độ dài tiêu cự ngắn (góc rộng) |
Độ dài tiêu cự dài (tele) |
|
Các vật thể ở gần ống kính | Có vẻ to hơn một cách bất cân xứng | Không có nhiều thay đổi về tỉ lệ Có thể bị mờ nếu chúng ở gần hơn khoảng cách lấy nét gần nhất |
Các vật thể ở xa | Trông nhỏ hơn | Trông to hơn |
Hậu cảnh | Trông xa hơn | Trông lớn hơn và gần hơn |
Khoảng cách giữa các vật thể | Trông dài hơn | Trông ngắn hơn |
Ảnh hưởng đến phối cảnh | Phóng đại phối cảnh | Nén phối cảnh |
Có thể ảnh hưởng đến độ sâu* | Sâu hơn (Cảnh trông sâu hơn) |
Ít độ sâu hơn (Cảnh trông phẳng hơn) |
*Mức độ rõ ràng của hiệu ứng này phụ thuộc vào cảnh và bố cục của bạn!
16mm
Những con sò phía trước trông rất to so với phần thịt phía sau. Một cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý vào thức ăn miễn là hình dạng bị méo không phải là vấn đề!
24mm
Phối cảnh dược phóng đại làm cho cây cầu này trông lớn và hùng vĩ.
120mm
Người chụp @allenlo0809. Hiệu ứng nén tele làm nổi bật hiệu ứng cầu vồng của những mái vòm đầy màu sắc này!
200mm
Người chụp @donamtykl. Hiệu ứng nén tele “kéo vào” các biển hiệu mang tính biểu tượng của quận Yaowarat ở Bangkok ở hậu cảnh và làm cho chúng trông lớn hơn.
Thủ thuật chuyên nghiệp: Cách tối đa hóa hiệu ứng phối cảnh
Hiệu ứng phóng đại phối cảnh trở nên rõ ràng hơn nếu bạn hơi nghiêng máy ảnh và chụp gần tiền cảnh hơn.
50mm, nghiêng lên trên
Ở góc này, bức tượng có vẻ sừng sững kiêu hãnh trên hai tòa nhà cao tầng phía sau. Chân của bức tượng trông cũng dài hơn so với ảnh tiếp theo.
200mm, trực diện
Ảnh này được chụp với độ dài tiêu cự dài hơn từ một vị trí cho phép có một góc máy cân bằng hơn. Đó cũng là bức tượng trong ảnh trước đó, nhưng hình thức và cảm nhận rất khác!
Trong khi đó, hiệu ứng “làm phẳng” của nén phối cảnh có thể được tối đa hóa bằng cách chụp trực diện hoặc từ một góc cho phép các vật thể xuất hiện xếp chồng lên nhau.
359mm, đứng sang một bên
Khoảng trống giữa các vòm có thể được nhìn thấy ở bên phải gợi ý về khoảng cách giữa chúng
300mm, trực diện
Các vòm trông dày sát nhau hơn
Thủ thuật: Góc máy cũng quan trọng
Như bạn có thể nhận thấy, việc nghiêng máy ảnh hoặc chụp gần đối tượng hơn có thể làm cho những thay đổi về phối cảnh trở nên nổi bật hơn. Hãy thử thực hiện những thao tác đó vào lần tới khi bạn cảm thấy không hài lòng với ảnh—ngay cả độ nghiêng nhỏ nhất cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn!
4. Khoảng cách lấy nét gần nhất
Khoảng cách lấy nét gần nhất xác định chúng ta có thể chụp gần đối tượng ở mức nào trước khi ống kính không thể lấy nét. Nó đặc biệt quan trọng đối với những cảnh cận cảnh trong đó chúng ta muốn tiền cảnh hoặc phía trước của đối tượng xuất hiện sắc nét.
Chụp ở 88mm, f/4.5
Một ví dụ hay là khi chúng ta chụp cận cảnh đồ ăn bằng hiệu ứng lấy nét nông (bokeh). Đối với những ảnh như vậy, trừ khi có những chi tiết khác mà bạn muốn thu hút sự chú ý, nói chung bạn sẽ không gặp sai sót nếu lấy nét ở phía trước của đối tượng. Nếu phần này quá gần ống kính, bạn sẽ không thể lấy nét như mong muốn.
Một ví dụ khác là khi chúng ta muốn tối đa hóa hiệu ứng phóng đại phối cảnh. Ví dụ, trong ví dụ này, chụp ở 14mm (góc cực rộng) bằng RF14-35mm f/4L IS USM, với ống kính cực gần với gốc thân cây làm tăng hiệu ứng phóng đại phối cảnh, làm cho thân cây có vẻ cực kỳ dài. Khoảng cách lấy nét gần nhất tương đối ngắn của ống kính là 0,2m cho phép ghi lại các chi tiết ở gần một cách sắc nét, mà lẽ ra, chúng sẽ bị mờ.
Cá là bạn chưa biết điều này: Sử dụng khoảng cách lấy nét gần nhất để tạo hiệu ứng bokeh tiền cảnh!
Hiệu ứng bokeh tiền cảnh có thể được sử dụng để lập khung hình cho đối tượng của bạn hoặc tăng thêm sự thú vị cho ảnh của bạn. Điều tốt nhất là nó không đòi hỏi nhiều công sức: chỉ cần đặt thứ gì đó thích hợp ở tiền cảnh. Bất kỳ thứ gì gần ống kính hơn khoảng cách lấy nét gần nhất sẽ bị mất nét!
Người chụp @_neo_ng_ig ở f/5, 106mm.