12 mẹo chụp ảnh tĩnh vật để chỉ cần nhìn thấy là muốn mua

Từ những bức ảnh chụp hoa trên nền màu sắc cho tới những bộ ảnh flatlay chụp đồ ăn, ảnh tĩnh vật đã tạo ra một cuộc cách mạng trong những năm gần đây. Làn sóng mới của ảnh tĩnh vật có sức ảnh hưởng không nhỏ tới nghệ thuật thiết kế nội thất, marketing, và đương nhiên, cả nhiếp ảnh thương mại.

Theo Đội ngũ 500px, ảnh tĩnh vật luôn là chủ đề “hot” đối với khách hàng. Vậy thể loại ảnh này đã được biến tấu ra sao trong những năm gần đây, và các nhiếp ảnh gia nên làm gì để làm quen với những thay đổi đó nhằm cho ra những bức ảnh “hái ra tiền”? Hãy cùng GN CAMERA tham khảo 12 mẹo chụp ảnh tĩnh vật dưới đây!

1. Tìm nguồn cảm hứng mỗi ngày

Nguồn cảm hứng cho nhiếp ảnh tĩnh vật là vô tận. Để các tác phẩm của mình nổi bật hơn so với đám đông, bạn có thể kết hợp ảnh tĩnh vật với các phong trào nhiếp ảnh khác như pop art, tối giản hay phong trào Bauhaus, kèm theo đó là những từ khóa và hashtag nổi bật trên mạng xã hội.

Hãy chú ý tới thế giới xung quanh bạn. Khi nhìn vào những quảng cáo tại bến xe buýt, quảng cáo trên Youtube hay theo dõi các trang blog, diễn đàn về thiết kế tức là bạn đang nhìn thấy những xu hướng đang nổi lên tại thời điểm đó.

Các bài quảng cáo hay tờ tạp chí của các hãng thời trang chính là nguồn tham khảo dồi dào nhất về những ý tưởng liên quan đến màu sắc, phong cách thiết kế, bố cục. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm nguồn cảm hứng mới tại bảo tàng. Hãy cố gắng tìm hiểu và học hỏi cách vận dụng ánh sáng và bố cục trong các tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng.

Khi đã “lùng sục” được hết tất cả các nguồn, bạn hãy bắt tay vào việc chụp ảnh và tạo ra những bức ảnh tĩnh vật thú vị nhất.

2. Bắt kịp xu hướng màu sắc

Hãy suy nghĩ về việc bạn có thể nâng tầm những bức ảnh của mình như thế nào khi thử nghiệm bức ảnh với nhiều màu sắc khác nhau.

Mỗi năm, xu hướng màu sắc lại thay đổi và ảnh hưởng đến màu chủ đạo của các chiến dịch truyền thông trên toàn cầu. Do đó, bạn nên nắm bắt rõ xu hướng màu sắc của năm công bố bởi Pantone hoặc các công ty khác (chẳng hạn như hãng sơn Benjamin Moore, Behr và Sherwin Williams) để áp dụng vào những bộ ảnh của mình.

Trong quá trình chỉnh sửa hậu kỳ, bạn cũng có thể thay đổi màu sắc của những bức ảnh bằng cách tăng hoặc giảm độ saturation và vibrance.

3. Lên kế hoạch cụ thể

Khi chụp ảnh tĩnh vật, các nhiếp ảnh gia kiểm soát hoàn toàn chủ thể, ánh sáng, bố cục và cảm xúc của bức ảnh. Nhờ đó, chụp ảnh tĩnh vật là cách tuyệt vời để thử nghiệm chụp ảnh với nhiều mức độ ánh sáng, bố cục và chủ đề khác nhau.

Một điều quan trọng mà nhiếp ảnh gia nào cũng cần lưu ý là luôn có sự chuẩn bị kỹ càng trước buổi chụp. Đại sứ của 500px, Dina Belenko, từng khuyên rằng bạn nên phác họa trước bố cục mà mình định chụp. Bạn luôn thay đổi được mọi thứ trong quá trình chụp ảnh, nhưng nếu có ý tưởng trước đó về việc những vật trong ảnh được sắp xếp ra sao và nên chiếu sáng chúng như thế nào, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt là khi ý tưởng đó được lên theo quy tắc 1/3 hoặc tỷ lệ vàng.

4. Có chủ đề cụ thể

Hãy truyền tải đúng chủ đề hoặc ý tưởng trong những bức ảnh của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn chụp ảnh với tách cà phê, hãy thử đưa vào những chi tiết với màu sắc tươi sáng để tạo ra sự năng động, hoặc nếu đang chụp hoa quả, hãy thêm vào một chút ánh sáng kiểu Rembrandt để đem lại không khí cổ điển.

Bạn có thể tham khảo các bức ảnh trên 500px thông qua các từ khóa được gắn kèm theo từng ảnh, hoặc tìm theo hashtag trên Instagram để xem những bức ảnh với chủ đề bạn quan tâm. Đây cũng có thể chính là những từ khóa mà bạn sẽ sử dụng khi đăng bán những bộ ảnh của mình.

5. Thỏa sức sáng tạo và tưởng tượng

Khách hàng mua ảnh thương mại thời nay luôn có nhu cầu tìm kiếm những bức ảnh mới lạ, độc đáo, vậy nên đây có thể là cơ hội tuyệt vời để bạn thử những điều mới lạ và thậm chí phá vỡ những quy luật cũ. Bạn có thể sơn hoặc vẽ lên các vật dụng trong nhà (hay thậm chí cả đồ ăn) bằng những màu sắc tươi sáng và đem đến yếu tố bất ngờ. Hãy thử tạo ra một bộ sưu tập những bức ảnh kỳ dị và thú vị chỉ từ những vật dụng đơn giản và không quá đắt đỏ mua từ chợ đồ cũ.

6. Hướng tới môi trường

Khách hàng đang có xu hướng tìm tới những bức ảnh phản ánh sự thay đổi mỗi ngày của cuộc sống con người trên toàn cầu. Do đó, bạn cũng nên nghĩ tới những món đồ “xanh” thân thiện với môi trường, truyền tải những thông điệp tích cực, chẳng hạn như nguyên liệu nấu đồ chay hoặc những món đồ được đóng gói bằng vật liệu dễ tái sử dụng, tái chế hay phân hủy.

7. Gọn gàng và sạch sẽ

Để làm nổi bật chủ thể, hãy sắp xếp phông nền gọn gàng, tránh đặt vào khung hình quá nhiều chi tiết rườm rà phía sau. Bạn có thể thử chụp với nhiều tông màu khác nhau, miễn là chúng có thể phối hợp với nhau để tạo thành bộ màu bắt mắt và dễ chịu.

Khu vực chụp ảnh và những vật xuất hiện trong của bạn cũng cần sạch sẽ. Chẳng hạn nếu chụp hoa, quả hay rau củ, bạn nên chọn những loại không có quá nhiều vết thâm, xước hay thậm chí héo rũ. Nếu có đồ vật làm bằng thủy tinh, bạn cũng nên chú ý lau sạch vết vân tay hằn trên bề mặt.

8. Chụp ảnh với tông màu tối

Đội Nghiên cứu Sáng tạo của Getty Images đã từng cho thấy “The Dark Arts” (tạm dịch: Nghệ thuật Bóng tối) là một trong những xu thế nổi bật của họ. Đó là những bức ảnh với ánh sáng chiaroscuro (kết hợp giữa các mảng sáng và tối), màu sắc đa dạng và kèm theo đó là hashtag #darkfoodphotography. Theo đó, “tối” ở đây không có nghĩa là tối tăm, u sầu mà là sự tinh tế, tế nhị.

9. Tận dụng ánh sáng

Đối với nhiếp ảnh tĩnh vật, ánh sáng là một trong những “công cụ” không thể thiếu. Hãy sử dụng nguồn sáng chiếu vào vật thể từ nhiều phía khác nhau để thấy rõ ánh sáng đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với bức ảnh.

Bạn có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên chiếu qua khung cửa hoặc dùng các công cụ hỗ trợ trong phòng studio như dụng cụ tản sáng, tấm phản chiếu ánh sáng hay gel lọc màu cho đèn flash để bức ảnh trở nên đặc sắc hơn.

10. Tập trung vào kết cấu của chủ thể

Từ mềm mại, mượt mà cho đến xù xì, mấp mô, hãy thêm vào bức ảnh của bạn các loại kết cấu khác nhau, thử chụp với nhiều bề mặt khác nhau để thấy chúng ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ bức hình. Chạy theo xu hướng luôn là điều mà các nhiếp ảnh gia thương mại vẫn thường hướng tới, nhưng thử những điều mới lạ để khám phá và tạo ra những tác phẩm mới sáng tạo hơn cũng là điều mà bạn đừng nên quên.

11. Chụp ảnh ở nhiều góc độ khác nhau

Bạn có thể thử chụp ảnh ở nhiều góc độ với chiều sâu khác nhau và chú ý đến sự thay đổi trong bố cục và cảm xúc của bức ảnh khi chụp với những khẩu độ khác nhau. Hãy thử chụp ảnh flatlay bằng cách đặt đồ vật trên nền phẳng và chụp từ trên xuống theo chiều thẳng đứng, hoặc thậm chí là chụp với đôi tay của mình.

12. Chụp ảnh theo mùa

Cách nhanh nhất để bắt “trend” và giúp những bức ảnh tiếp cận với nhiều người hơn là chụp ảnh theo mùa. Chẳng hạn nếu một kỳ nghỉ lễ nào đó sắp tới gần, bạn hãy chụp ảnh với những vật dụng được trang trí theo chủ đề của kỳ nghỉ lễ đó, ví dụ như nến, quả thông, quả mọng… Bạn cũng có thể thêm vào ảnh những loại quả theo mùa để làm điểm nhấn, chẳng hạn mùa đông có cam, quýt… còn mùa hè có dưa hấu, xoài…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0988.225.880 CHAT NGAY